Phương Tây tìm cách tịch thu tài sản Nga để tái thiết Ukraine

Trong khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua luật sửa đổi về sử dụng một số tài sản bị tịch thu của Nga để hỗ trợ Ukraine, thì chính phủ Canada lần đầu tiên áp dụng luật mới để tịch thu tài sản của các cá nhân Nga trong "danh sách đen" trừng phạt theo lệnh của tòa án.

Chú thích ảnh
Cờ Nga bay trên trụ sở Ngân hàng Trung ướng Nga. Ảnh: EPA

Theo kênh truyền hình RT, Thượng viện Mỹ vừa “bật đèn xanh” cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden tịch thu tài sản của các quan chức, doanh nhân và tổ chức Nga tại Mỹ, cũng như gửi số tiền thu được để tái thiết Ukraine. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cho biết luật thay đổi sẽ giúp Kiev có thêm hàng tỷ USD.

Việc sửa đổi do Thượng nghị sĩ Graham và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sheldon Whitehouse đề xuất. Sau khi nhận được 68 phiếu ủng hộ, 29 phiếu phản đối, luật sửa đổi này đã được bổ sung vào gói chi tiêu trị giá 1.700 tỷ USD.

Luật sửa đổi cho phép Bộ Tư pháp bán bớt tài sản của các nhà tài phiệt và các tổ chức Nga bị trừng phạt, từ đó có tiền giúp đỡ Ukraine. Luật chi tiêu dự kiến phải trải qua một cuộc bỏ phiếu khác tại Hạ viện, song được cho là sẽ được ủng hộ.

Theo số liệu từ Hội đồng tư vấn Atlantic, tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã trừng phạt 1.097 thực thể và 1.331 cá nhân Nga. Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản mà Mỹ thu giữ đối với những cá nhân này chưa được công bố.

Trong khi đó, theo tính toán của Điện Kremlin, Mỹ và các đồng minh đã đóng băng tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương Nga có tổng trị giá khoảng 300 tỷ USD. Tổng gia trị tài sản các cá nhân Nga bị đóng băng tại các quốc gia thành viên EU hiện lên tới khoảng 20 tỷ USD. Song các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa tìm ra cách hợp pháp nào để thu giữ những tài sản này, phần lớn được hình thành từ ngoại tệ.

Mới đây, chính phủ Canada tuyên bố dự định tịch thu tài sản của tỉ phú Nga Roman Abramovich. Đây là lần đầu tiên Canada sử dụng luật mới, có tên gọi “Luật các biện pháp kinh tế đặc biệt", cho phép chính phủ tịch thu tài sản của các cá nhân trong "danh sách đen" trừng phạt theo lệnh của tòa án. Canada là quốc gia thuộc Nhóm các nước phát triển trên thế giới (G7) đầu tiên áp dụng luật này.

Canada dự định tịch thu 26 triệu USD từ công ty Granite Capital do tài phiệt Abramovich sở hữu và chuyển số tiền này để tái thiết Ukraine.

William Pellerin, một luật sư thương mại có trụ sở tại Ottawa của công ty McMillan LLP, cho biết nỗ lực của Canada nhằm tịch thu tài sản của một nhà tài phiệt Nga sẽ là một phép thử lớn về cách chính phủ liên bang cân bằng giữa các biện pháp trừng phạt và các quyền trong Hiến chương. Vụ việc có thể đặt ra nghi vấn về luật hiến pháp và quyền tài phán, đồng thời định hình những nỗ lực trong tương lai nhằm lấy tiền từ các cá nhân bị trừng phạt.

“Chuyện này chưa từng xảy ra trong bất kỳ quốc gia G7 nào cũng như Australia. Chúng ta thực sự dẫn đầu xu hướng này”, luật sư Pellerin nói.

Trong những tháng qua, EU tích cực thảo luận cách thu giữ tài sản của Nga ở nước ngoài một cách hợp pháp, bao gồm của nhà nước và tư nhân, đang bị đóng băng do lệnh trừng phạt.

Về mặt pháp lý, các quỹ đóng băng vẫn thuộc về Nga hoặc các công dân nước này. Để sử dụng những tài sản này, EU cần tìm cách tịch thu chúng. Tuy nhiên, ở hầu hết quốc gia thành viên EU, việc thu giữ tài sản bị đóng băng chỉ có thể thực hiện hợp pháp khi chủ tại sản đó bị kết án hình sự.

Bên cạnh đó, nhiều tài sản của công dân Nga bị trừng phạt được đăng ký dưới tên của các thành viên trong gia đình hoặc người đại diện.

Cuối tháng 11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất tạo thành lập một cơ quan đặc biệt để quản lý các quỹ bị đóng băng của Nga.

Theo bà von der Leyen, sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, các khoản tiền này có thể được sử dụng để đảm bảo rằng Nga bồi thường đầy đủ những thiệt hại đã gây ra cho Ukraine.

Để giúp việc thu giữ tài sản của các cá nhân Nga dễ dàng hơn, EU ngày 2/12 đã đưa ra một đạo luật xác định việc giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt sẽ bị coi là phạm tội theo luật của EU. Tuy nhiên, theo một quan chức EU giấu tên, nếu không có mối liên kết với việc phạm tội rõ ràng, thì sẽ không thể tịch thu tiền thuộc về một cá nhân.

Về phần mình, Nga chỉ trích mạnh mẽ việc các quốc gia phương Tây thu giữ tài sản của nước này. Chính quyền Moskva đã từng nhiều lần gọi ý định của EU nhằm tịch thu tài sản Nga là bất hợp pháp và cho rằng đó là hành vi trộm cắp.

Ngày 30/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, đã cảnh báo nếu EU thực sự có việc tịch thu tài sản của công dân, doanh nghiệp, dự trữ nhà nước của Nga, Moskva chắc chắn sẽ có các biện pháp thích hợp.

Bà Zakharova cho biết các phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào các những biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm vào nước này.

Bảo Hà/Báo Tin tức (tổng hợp)
Ba nhóm vũ khí trong 'Danh sách quà Giáng sinh' Ukraine muốn, Mỹ ngần ngại không gửi
Ba nhóm vũ khí trong 'Danh sách quà Giáng sinh' Ukraine muốn, Mỹ ngần ngại không gửi

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn không muốn gửi xe tăng, chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa hiện đại tới Ukraine cho dù Kiev mong muốn có được những vũ khí này. Đằng sau đó là những nỗi lo không dễ giải quyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN