Ngày 22/12, phát biểu sau sự kiện người đồng cấp Ukraine thăm Washington, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga mong muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cho rằng cuộc xung đột này chắc chắn sẽ cần đến một biện pháp ngoại giao.
Hãng Reuters trích dẫn lời nhà lãnh đạo Nga nêu rõ: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là đẩy nhanh guồng máy xung đột quân sự, mà trái lại là chấm dứt cuộc chiến hiện nay. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này càng sớm càng tốt”.
Mặt khác, ông Putin cũng nhấn mạnh: “Tôi đã nhiều lần khẳng định tăng cường các hành động thù địch sẽ dẫn đến những tổn thất phi lý. Mọi cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc bằng cách này hay cách khác thông qua một số hình thức đàm phán ngoại giao. Dù sớm hay muộn, các bên xung đột cũng sẽ ngồi lại với nhau và đạt được một thỏa thuận”.
Đây được cho là một bước chuyển biến mới nhất trong các tuyên bố từ phía Nga. Trước đó, hồi tháng 9, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, để giải quyết cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine thông qua các cuộc đàm phán hòa bình là điều bất khả thi. Ông Peskov cho rằng hiện tại chưa có triển vọng mở ra một con đường hướng tới mục tiêu dàn xếp ngoại giao.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko tuyên bố Moskva không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho các cuộc đàm phán với Ukraine, nhưng Kiev phải thể hiện thiện chí.
Phản ứng về tuyên bố muốn nhanh chóng kết thúc xung đột của phía Nga, Mỹ đã lập tức bày tỏ sự hoài nghi về vấn đề này. Điều phối viên truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy ông Putin sẵn sàng đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 10 tháng qua. Ông tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng đàm phán với ông Putin, song chỉ khi nhà lãnh đạo Nga nghiêm túc thể hiện nỗ lực đàm phán. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đưa ra luận điểm tương tự với ông Kirby. Quan chức ngoại giao hàng đầu này lưu ý cuộc xung đột có thể kết thúc nếu Nga rút quân về nước.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã tuyên bố rằng Ukraine sẽ chỉ hài lòng khi đánh bại Nga trên chiến trường và đẩy lực lượng Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền. Lãnh thổ đó bao gồm Crimea, khu vực trước đây của Ukraine đã sáp nhập trở lại với Nga vào năm 2014. Thế nhưng Nga lại coi Crimea thuộc chủ quyền của mình và tình trạng của bán đảo này không thuộc diện thảo luận.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo dài gần 10 tháng. Nga và Ukraine đã tiến hành đàm phán hoà bình, nhưng không đạt được kết quả đột phá và hiện trong tình trạng đình trệ.
Những gì diễn biến trên chiến trường, nhất là tại điểm nóng Bakhmut, đã cho thấy xu hướng chính trong chiến dịch của Nga tại Ukraine vẫn là "đánh để đàm". Theo hãng tin AP, chiến sự tiếp tục diễn ra ác liệt tại thành phố Bakhmut, thuộc vùng Donetsk ở miền Đông, nơi binh sĩ Ukraine đang cố thủ trước vòng vây và các cuộc tấn công từ nhiều hướng của lực lượng Nga.
Và mới đây, sau chuyến công du Mỹ của Tổng thống Ukraine nhằm đảm bảo nguồn viện trợ chống lại Nga, cũng như tình trạng phương Tây cam kết tiếp tục dồn tiền và vũ khí sát thương về chiến trường ở Ukraine, triển vọng Moskva và Kiev ngồi vào bàn đàm phán được cho là khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều và nếu có cũng khó đạt kết quả thực chất.