Phong trào biểu tình 'chống sự tuyệt chủng' ở hai bờ Đại Tây Dương

Ngày 10/10, ngày thứ tư trong khuôn khổ hai tuần lễ được gọi là "bất tuân dân sự" nhằm yêu cầu lãnh đạo các nước có các hành động ngay lập tức để cứu Trái Đất khỏi cuộc "đại tuyệt chủng", những người biểu tình ở thành phố New York Mỹ đã gây tắc nghẽn hoạt động giao thông ở trung tâm sầm uất nhất của thành phố, trong khi người biểu tình tại Anh tìm cách đóng cửa sân bay thành phố London.

Tại New York, hàng chục người biểu tình ngồi bệt ở Quảng trường Thời đại, bao quanh một con thuyền màu xanh có mang biểu tượng của nhóm hoạt động bảo vệ môi trường mang tên Extinction Rebellion cùng với dòng chữ "Hành động ngay".

Chú thích ảnh
Người dân tham gia tuần hành chống biến đổi khí hậu tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 20/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số người biểu tình mang biểu ngữ "Cứu tương lai của chúng ta", "Khẩn cấp khí hậu"... Họ không chịu rời đi theo lệnh của cảnh sát. Cuộc biểu tình diễn ra ở nơi được gọi là "giao lộ của thế giới", nên gây tắc nghẽn giao thông từ nhiều hướng, và hỗn loạn tại địa điểm vốn thu hút đông đúc khách du lịch này. Theo Sở cảnh sát thành phố New York, ít nhất 62 người đã bị bắt vì hành động bất tuân dân sự này.

Trong khi đó, tại Anh, một nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu đã bám vào thân một máy bay của hãng British Airways ở sân bay thành phố London. Hãng này đã buộc phải chuyển các hành khách lên một chuyến máy bay khác để tới Amsterdam, Hà Lan.

Trong khi đó, một chuyến bay từ London tới Dublin đã bị hoãn do một người biểu tình đứng lên và diễn thuyết về tình trạng biến đổi khí hậu trên máy bay sau khi máy bay cất cánh. Các nhà hoạt động tìm cách đóng cửa sân bay thành phố London ngày 10/10 trong làn sóng biểu tình bảo vệ môi trường đang diễn ra ở các thành phố trên khắp thế giới.

Được Nhóm Extinction Rebellion phát động và lấy cảm hứng từ bài phát biểu của nhà hoạt động vì khí hậu 16 tuổi người Thụy Điển, Greta Thunberg tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 vừa qua , các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu đã diễn ra tại gần 60 thành phố lớn của châu Âu, châu Á, châu Phi và khu vực Bắc Mỹ nhằm yêu cầu chính phủ các nước tiến hành cắt giảm lượng khí thải carbon, mà các nhà khoa học đã chứng minh là đang gây ra tình trạng biến đổi khí hậu tồi tệ như hiện nay.

Phong trào Extinction Rebellion ra đời tại Anh hồi năm ngoái và trở thành một trong những phong trào hoạt động vì môi trường phát triển nhanh nhất thế giới. Phong trào này đã thu hút công chúng tại Anh lưu tâm hơn về những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, khiến Quốc hội Anh đã thông qua dự luật có tên "Khí hậu và môi trường khẩn cấp" hồi tháng 5 vừa qua.

Sau đó một tháng, Anh tiếp tục thông qua mục tiêu giảm khí thải nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt ra mục tiêu như vậy. Tuy nhiên, những người thuộc phong trào Extinction Rebellion cho rằng kế hoạch trên là chưa đủ và Anh cần phải hiện thực hóa mục tiêu này vào năm 2025.

Minh Châu (TTXVN)
 Nhiều người biểu tình chống biến đổi khí hậu bị bắt giữ tại Anh, Hà Lan và Canada
Nhiều người biểu tình chống biến đổi khí hậu bị bắt giữ tại Anh, Hà Lan và Canada

Hàng loạt vụ bắt giữ những người biểu tình chống biến đổi khí hậu đã diễn ra tại Anh, Australia, Hà Lan và Canada trong ngày 7/10 khi những người này khởi động hai tuần lễ bất tuân dân sự nhằm yêu cầu lãnh đạo các nước có các hành động ngay lập tức để cứu Trái Đất khỏi cuộc "đại tuyệt chủng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN