'Phép thử' trước bầu cử tại Pháp

Pháp sẽ không thực hiện giãn cách xã hội, không giới nghiêm, không đóng cửa trường học... để đối phó với làn sóng dịch thứ năm bùng phát đúng dịp lễ Giáng sinh, thay vào đó sẽ "mở rộng và tăng cường một cách phù hợp các biện pháp đang được thực hiện".

Hội đồng Bộ trưởng Pháp đã đưa ra quyết định trên tại cuộc họp do Tổng thống Emmanuel Macron chủ trì diễn ra chiều 27/12, trong bối cảnh số mắc mới COVID-19 ở nước này tăng vọt, vượt ngưỡng 100.000/ngày ngay trước thềm Năm mới 2022, năm bầu cử quan trọng của nước Pháp. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 23/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu của Cơ quan Y tế Pháp, con số 104.611 trường hợp mắc mới ghi nhận ngày 25/12 là cao nhất ở nước này kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện vào tháng 3/2020. Như vậy, chỉ sau 3 tuần, số ca mắc mới đã tăng gấp đôi.

Tuy tình trạng hiện nay vẫn chưa dẫn đến làn sóng nhập viện, nhưng xu hướng nghỉ việc do nhiễm bệnh hay tiếp xúc với người bệnh ngày càng gia tăng, đang làm dấy lên lo ngại về một sự gián đoạn lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Bằng chứng về sức tấn công của làn sóng thứ năm này thể hiện ở sự bùng nổ về số lượng giấy phép nghỉ việc do Bảo hiểm Y tế Pháp cấp cho những trường hợp mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người bệnh. Theo số liệu được báo điện tử Journal du Dimanche công bố, trong khoảng thời gian từ ngày 1/11 đến ngày 19/12, số lượng giấy phép nghỉ việc do dịch bệnh đã tăng 740%, từ 5.763 lên 42.541 trường hợp. Do đó, làn sóng Omicron đang làm dấy lên lo ngại về điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra trong những tuần tới. Giáo sư Arnaud Fontanet dự kiến có "vài trăm nghìn ca mỗi ngày" sẽ phải nghỉ việc để cách ly vào tháng 1/2022.  Hội đồng Khoa học Pháp đang lo ngại về kịch bản "có thể xảy ra tình trạng xáo trộn ở một số ngành dịch vụ thiết yếu" trong tháng tới do không có người làm việc.

Trước cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thống Macron đã họp cùng Hội đồng Bảo vệ sức khỏe quốc gia nhằm đánh giá lại tình trạng y tế của đất nước khi phải đối mặt với biến thể Omicron đang lan rộng và được báo giới nước này ví von như "cháy rừng". Bên cạnh việc đẩy nhanh chiến dịch tăng cường tiêm vaccine, việc xem xét các phương thức cách ly cũng được đưa vào chương trình nghị sự.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học quốc gia Jean-François Delfraissy nhấn mạnh vấn đề quan trọng là phải điều chỉnh các biện pháp, thậm chí đưa ra các quy định mới để ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng nghỉ việc (của những người bị nhiễm bệnh và các trường hợp phải cách ly do tiếp xúc với người bệnh) cao đến mức có thể "làm tê liệt các hoạt động xã hội và một số dịch vụ thiết yếu nhất định". Trong khi đó, ông Gilles Pialoux, Trưởng Khoa Các bệnh truyền nhiễm của thuộc Bệnh viện Tenon đã cảnh báo bức tranh u tối khi hệ thống trường học, cảnh sát, bệnh viện ngừng hoạt động dẫn tới xã hội bị tê liệt do không có người làm việc.

Đối mặt với nguy cơ này, ưu tiên hàng đầu của chính quyền hiện nay là "tránh mọi tình trạng tê liệt trong nước". Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran nêu rõ: “Chúng ta phải cố gắng cân bằng giữa sự thận trọng khi phải đối mặt với dịch bệnh và sự bền vững về kinh tế”. Do đó, ông mong muốn làm rõ các quy định cách ly người bệnh và các trường hợp tiếp xúc. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan chức năng nên cân nhắc phương án giảm thời gian cách ly. 

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Veran đã thông báo về việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Từ nay trở đi (chứ không phải từ ngày 3/1/2022 như dự kiến ban đầu), thời gian thực hiện liều tiêm tăng cường được giảm từ 5 tháng xuống còn 4 tháng so với thời gian hoàn thành mũi cơ bản. Hội đồng Bảo vệ sức khỏe quốc gia thậm chí có thể quyết định rút ngắn thời gian xuống còn 3 tháng, theo khuyến nghị của Cơ quan Y tế cấp cao (HAS) . Cơ quan này cũng khuyến nghị mở rộng đối tượng tiêm liều tăng cường cho cả đối tượng thanh thiếu niên 12-17 tuổi có nguy cơ nhiễm cao.

Trong khi đó, Tổng thống Macron đặt niềm tin vào hiệu quả của công tác tiêm vaccine phòng bệnh và có những biện pháp mạnh mẽ hơn đối với những người chưa được tiêm chủng. Nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố sẽ không có "thỏa thuận đình chiến" nào đối với biến thể mới hiện đang lây lan với tốc độ nhanh chóng này, nhưng các biện pháp sẽ phải được cân nhắc để tránh làm tê liệt các hoạt động kinh tế- xã hội. Mọi giải pháp sẽ phải đáp ứng mục tiêu hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, giảm bớt áp lực lên bệnh viện và tránh đảo lộn nền kinh tế

Trên tinh thần đó, Pháp không áp dụng giới nghiêm vào ngày 31/12, cũng không hoãn lịch trở lại trường của học sinh vào 3/1/2022. Tuy nhiên, trong vòng 3 tuần kể từ ngày 3/1, các sự kiện quy mô lớn sẽ chỉ được giới hạn ở 2.000 người trong nhà và 5.000 người ngoài trời. Các buổi hòa nhạc ngoài trời hoàn toàn bị cấm. Việc tiêu thụ đồ ăn và thức uống trong rạp hát, rạp chiếu phim và trên phương tiện giao thông (kể cả khi đi đường dài) cũng không được phép. Tùy tình hình diễn biến dịch, lãnh đạo các địa phương có thể quyết định việc bắt buộc sử dụng khẩu trang khi ra ngoài hay không. Đối với các cơ quan, công sở hay công ty, doanh nghiệp, hình thức làm việc từ xa phải được áp dụng với mức tối thiểu là 3 ngày/tuần, thậm chí 4 ngày nếu như có thể thu xếp được. Trong bối cảnh dịch bệnh giống như "cuốn phim chưa có hồi kết" theo ví von của Thủ tướng Pháp Jean Castex, Hội đồng Bảo vệ sức khỏe quốc gia ngày 5/1 sẽ xem xét việc có tăng cường các biện pháp hạn chế nữa hay không.

Quốc hội Pháp ngày 3/1 tới cũng sẽ thảo luận để thông qua dự luật chuyển chứng nhận sức khỏe thành chứng nhận tiêm chủng từ ngày 15/1/2022, sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch ban đầu. Với quyết  định này, Tổng thống Macron hy vọng thúc đẩy 21,5% người dân Pháp không chịu tiêm vaccine phòng bệnh phải thay đổi nhận thức và đến các cơ sở tiêm chủng. 

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ Journal du Dimanche, chuyên gia y tế hàng đầu của Pháp, Giáo sư William Dab cảnh báo chính phủ nên triển khai đồng thời nhiều giải pháp, thay vì chỉ "đặt cược" vào công tác tiêm vaccine phòng bệnh. Theo ông, lệnh giới nghiêm phải được áp dụng trở lại "ngay lập tức vào trước đêm Giao thừa".

Ba tháng trước khi bắt đầu khởi động chiến dịch vận động trong cuộc bầu cử tổng thống, chính quyền Pháp đang phải chịu một sức ép lớn. Việc tìm ra "phương thuốc hữu hiệu" ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ năm do biến thể Omicron gây ra cũng có thể coi là "phép thử" đối với nước Pháp trong năm bầu cử 2022, với cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra tháng 4 và sau đó 2 tháng là cuộc bầu cử quốc hội.

Nguyễn Thu Hà (PV TTXVN tại CH Pháp)
Pháp nỗ lực đối phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ 5
Pháp nỗ lực đối phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ 5

Pháp đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào đúng dịp lễ Giáng sinh, khi số người mắc COVID-19 đã tăng rất mạnh trong suốt tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN