Tổng thống Macron nhấn mạnh Pháp sẽ chi thêm 700 triệu euro nhằm phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại các nước đang phát triển từ nay đến năm 2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Macron nhấn mạnh Pháp sẽ chi thêm 700 triệu euro (861,5 triệu USD) thông qua các khoản cho vay và các khoản viện trợ nhằm phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại các nước đang phát triển từ nay đến năm 2022. Trước đó, Pháp đã cam kết chi 300 triệu euro cho sáng kiến này khi Pháp cùng với Ấn Độ thành lập một liên minh toàn cầu hồi năm 2015 nhằm tạo ra một quỹ mới để tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời tại các quốc gia nhiều nắng và nghèo.
Trong khi đó, phát biểu trước các nhà đầu tư và các nhà lãnh đạo thế giới đến từ 20 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Phi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã cam kết Ấn Độ sẽ giảm đáng kể lượng khí thải carbon thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, nhấn mạnh "chúng ta phải đảm bảo rằng một công nghệ năng lượng mặt trời hiệu quả và chi phí thấp phải sẵn có với tất cả các nước". Ông Modi kêu gọi tăng cường năng lượng mặt trời trong số các nguồn năng lượng hiện nay.
Ấn Độ là quốc gia gây ô nhiễm lớn thứ 3 trên thế giới, đang phát triển mạnh trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và đang dần trở thành một trong những thị trường năng lượng sạch lớn nhất thế giới. Trước đó, Ấn Độ đã cam kết đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 40% nguồn năng lượng của nước này, chủ yếu là nguồn năng lượng mặt trời.
ISA là tổ chức gồm 121 quốc gia thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái sinh thay thế cho năng lượng hoá thạch. Cả Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Modi đều hy vọng rằng ISA sẽ thúc đẩy việc đầu tư khoảng 1.000 tỷ USD cho các dự án năng lượng mặt trời mới từ nay đến năm 2030.