Chứng khoán nhiều quốc gia lập kỷ lục
Ngày 23/2, hai trong ba chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Phố Wall đã tăng và xác lập kỷ lục mới. Chốt phiên trên sàn giao dịch New York, chỉ số Dow Jones tăng 0,2% lên 39.131,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng xấp xỉ 0,1% lên 5.088,8 điểm. Cả hai chỉ số này đều cán mốc cao nhất lịch sử.
"Sắc xanh" cũng ngập tràn các sàn chứng khoán London (Anh), Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp). Đáng chú ý 2 mốc kỷ lục mới đó là chỉ số DAX của Đức tăng 0,3% và chỉ số CAC 40 (của Pháp) tăng 0,7%.
Theo các chuyên gia, động lực thúc đẩy giao dịch sôi động tại thị trường chứng khoán Mỹ bắt nguồn từ khối lượng giao dịch khổng lồ của cổ phiếu công ty công nghệ Nvidia. Đóng cửa giao dịch 22/2, giá cổ phiếu của Nvidia đã tăng 16,4%. Điều này đã đưa giá trị thị trường của công ty lên gần 2.000 tỷ USD. Trước đó, vào ngày 21/2, Nvidia công bố báo cáo lợi nhuận theo quý tăng 12,3 tỷ USD nhờ doanh thu kỷ lục từ việc cung cấp sản phẩm công nghệ cao hỗ trợ các khách hàng như Amazon, Meta, Microsoft và Alphabet tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Theo Goldman Sachs, AI tạo sinh có thể thúc đẩy GDP của Mỹ tăng 0,4 điểm phần trăm và 0,3 điểm ở các thị trường phát triển khác trong 10 năm tới.
Trong khi đó, ngày 22/2, thị trường chứng khoán Nhật Bản lập mức cao kỷ lục mới lần đầu tiên kể từ năm 1989. Cổ phiếu bán dẫn Nhật Bản tăng mạnh nhờ báo cáo về doanh thu của Nvidia đã giúp đẩy chỉ số Nikkei tăng 2,2%, đóng cửa ở mức 39.098,68 điểm hôm 22/2, vượt mức cao kỷ lục trước đó vào ngày 29/12/1989.
Nhìn chung, Nikkei đã tăng 28% vào năm 2023, trở thành chỉ số hoạt động tốt nhất ở châu Á. Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, chỉ số này đã tăng hơn 17%, vượt lên trên các chỉ số lớn khác trên toàn cầu.
Ông Daniel Hurley, chuyên gia tại công ty T. Rowe Price (Mỹ) nhận định với kênh CNN rằng đà tăng của chứng khoán Nhật Bản chủ yếu được thúc đẩy bởi thu nhập tăng mạnh, đồng yên yếu và cải cách quản trị doanh nghiệp. Đồng yên đã giảm hơn 6% so với USD trong năm nay, sau khi mất khoảng 8% so với đồng bạc xanh vào năm 2023. Đồng tiền yếu hơn sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản và khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp nước này rẻ hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Các bên đưa ra giải pháp cho Gaza
Ngày 22/2, Chính phủ Brazil cho biết Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột ở Trung Đông. Phát biểu trước báo giới sau khi Hội nghị Ngoại trưởng G20 kết thúc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) với 2 ngày nhóm họp, Ngoại trưởng nước chủ nhà Mauro Vieira khẳng định các Ngoại trưởng đều nhất trí rằng giải pháp hai nhà nước là biện pháp khả thi duy nhất để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Mỹ và các nước Arab cũng kêu gọi giải pháp hướng đến thành lập một Nhà nước độc lập của người Palestine, với Đông Jerusalem là thủ đô, phù hợp với các nghị quyết quốc tế.
Về phần Israel, ngày 21/2, Quốc hội (Knesset) nước này đã bỏ phiếu thông qua quyết định trước đó của chính phủ, trong đó phản đối các nỗ lực quốc tế đơn phương công nhận sự ra đời của Nhà nước Palestine độc lập.
Theo tờ Times of Israel, ngày 22/2, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã trình bày với nội các an ninh về kế hoạch của ông quản lý Gaza sau xung đột. Phần lớn kế hoạch này là tập hợp các nguyên tắc mà ông đã nêu lên kể từ đầu xung đột, nhưng đây là lần đầu tiên chúng chính thức được trình bày trước nội các.
Thủ tướng Netanyahu từng nói rằng ông sẽ không cho phép Chính quyền Palestine (PA) quản lý Gaza. Và trong kế hoạch được trình bày trước nội các tại cuộc họp tối 22/2, ông Netanyahu không nêu tên cụ thể của PA hoặc loại trừ sự tham gia của lực lượng này vào việc quản lý Gaza thời hậu chiến.
Thay vào đó, kế hoạch đề cập rằng vấn đề dân sự ở Gaza sẽ được điều hành bởi “các quan chức địa phương”, những người có kinh nghiệm hành chính và không bị ràng buộc với các quốc gia hoặc tổ chức hỗ trợ khủng bố.
Y tế Hàn Quốc lao đao vì bác sĩ đình công
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin các bệnh viện lớn trên khắp Hàn Quốc tiếp tục gián đoạn hoạt động vào ngày 24/2 khi hàng nghìn bác sĩ nội trú và thực tập sinh của nhiều bệnh viện lớn vẫn nghỉ việc để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh y khoa của chính phủ.
Gần 100 bệnh viện đa khoa đã hủy bỏ hoặc hoãn các thủ tục không cần thiết đồng thời từ chối bệnh nhân không cấp cứu, ưu tiên những trường hợp cấp cứu nghiêm trọng nhằm giảm thiểu áp lực ngày càng tăng cho hệ thống y tế.
Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, tính đến tối 22/2, 8.897 (tương đương 78,5%) trong 13.000 bác sĩ nội trú từ 96 bệnh viện lớn ở Seoul và nhiều nơi khác đã nộp đơn nghỉ việc, trong đó 7.863 người trong số họ không đi làm.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều bác sĩ trẻ tham gia cuộc biểu tình. Diễn biến này gây lo ngại bởi họ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các ca phẫu thuật và dịch vụ cấp cứu. Các bệnh viện tại Hàn Quốc đã phải vật lộn để duy trì hoạt động bằng cách dựa vào hỗ trợ của các bác sĩ trong các chương trình nghiên cứu sinh, các giáo sư và y tá để lấp đầy khoảng trống.
Dưới đây là video Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo gặp gỡ nhân viên y tế và bệnh nhân tại một bệnh viện ở Seoul ngày 21/2 trong bối cảnh ngành y tế nước này gặp nhiều khó khăn vì bác sĩ nội trú đình công (nguồn: Reuters):
Ngày 23/2, Chính phủ Hàn Quốc đã nâng cảnh báo nguy cơ khủng hoảng y tế lên mức “nghiêm trọng”, mức cao nhất trên thang gồm 4 cấp. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã khuyên những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nên đến các phòng thay vì bệnh viện đa khoa.
Hơn nữa, chính phủ Hàn Quốc đã tạm thời mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, chẳng hạn như tư vấn và kê đơn, tại tất cả các bệnh viện và phòng khám cho đến khi kết thúc đợt đình công. Ngoài ra, các bệnh viện quân y trên toàn quốc đã mở cửa phòng cấp cứu cho công chúng kể từ 20/2. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tính đến chiều 24/2, có 32 người dân thường đã được điều trị tại các bệnh viện quân y.
Các bác sĩ nội trú và sinh viên y khoa Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối kế hoạch của chính phủ tiếp nhận thêm 2.000 sinh viên vào các trường y vào năm tới, từ mức 3.058 chỉ tiêu hiện tại, để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ.
Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) lập luận rằng hiện đã có đủ bác sĩ và việc chỉ tăng chỉ tiêu sinh viên y khoa sẽ dẫn đến chi phí y tế không cần thiết. Hơn nữa, KMA cho rằng kế hoạch này không giải quyết được các vấn đề, chẳng hạn như tình trạng quá tải và thiếu động lực cho các bác sĩ chuyên về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, bao gồm nhi khoa, sản khoa và cấp cứu. Một cuộc thăm dò gần đây của Gallop Korea cho thấy khoảng 76% số người được hỏi ủng hộ kế hoạch của chính phủ.
Cảnh sát Hàn Quốc ngày 23/2 thông báo bắt đầu cuộc điều tra động cơ và cách thức kích động khiến các bác sĩ trẻ nghỉ việc tập thể tập thể. Cùng với đó, một nhóm điều tra dân sự cũng được thành lập do ông Kim Taek-woo, Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, đứng đầu. Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ bắt giữ đối với những người cầm đầu, kích động hành động tập thể của các bác sĩ trẻ.
Nông dân nhiều quốc gia biểu tình
Ngày 23/2, nông dân Pháp và Ba Lan đã dẫn đầu một làn sóng phản đối mới tại Liên minh châu Âu (EU), đưa các máy kéo tới nhiều thành phố lớn và phong tỏa các tuyến đường nhằm yêu cầu nới lỏng thuế cùng nhiều quy định trong ngành nông nghiệp.
Tại Pháp, hàng loạt máy kéo lăn bánh vào thủ đô Paris. Nhiều nông dân tiếp tục phong tỏa các tuyến đường, đốt lốp xe và bao vây các siêu thị lớn trước thềm cuộc triển lãm nông nghiệp thường niên, vốn là sự kiện lớn tại nước này. Các hoạt động này nhằm nhằm gây áp lực yêu cầu chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách nông nghiệp.
Ở Ban Lan, nông dân tuyên bố sẽ chặn các tuyến đường huyết mạch nối nước này với Đức kể từ ngày 25/2, tiếp nối các hoạt động chặn các cửa khẩu biên giới nhằm phản đối điều mà họ cho là gây ra tình trạng giá cả hàng hóa cạnh tranh không công bằng giữa nông sản nội địa và hàng nhập khẩu.
Ngày 21/2, nông dân Tây Ban Nha đã điều khiển hàng trăm máy cày tiến vào thành phố Madrid để tham gia cuộc biểu tình nhằm phản đối tình trạng cạnh tranh không công bằng với các đối tác bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 22/2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết chính phủ của ông nỗ lực vì phúc lợi của nông dân và đang thực hiện sứ mệnh biến họ thành những doanh nhân và nhà xuất khẩu. Đây là phát biểu đầu tiên của Thủ tướng Modi kể từ khi hàng nghìn nông dân nước này tiến hành biểu tình đòi tăng giá nông sản hôm 13/2.
Nông dân Ấn Độ đã tiến hành cuộc biểu tình “Delhi Chalo – Delhi thẳng tiến” từ ngày 13/2, dẫn tới tình trạng đụng độ giữa các lực lượng an ninh và những người biểu tình ở bên ngoài thủ đô Delhi. Mục đích chính của cuộc biểu tình là nhằm đảm bảo pháp lý liên quan giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ, lương hưu cho nông dân và công nhân trang trại, miễn nợ trang trại, không tăng giá điện, khôi phục Đạo luật thu hồi đất năm 2013…