Căng thẳng leo thang ở Trung Đông
Trong tuần qua, chiến sự tại Dải Gaza tiếp tục leo thang và có nguy cơ dẫn tới những hậu quả thảm khốc đối với hòa bình và an ninh thế giới.
Ngày 6/2, phong trào Hamas đã đề xuất kế hoạch ngừng bắn trong vòng 4,5 tháng gồm 3 giai đoạn để trao đổi con tin và dẫn tới chấm dứt chiến sự tại Dải Gaza.
Theo kế hoạch ngừng bắn, Hamas sẽ thả các con tin Israel mà họ bắt giữ trong cuộc đột kích hôm 7/10/2023 để đổi lấy các tù nhân Palestine, đảm bảo việc tái thiết, cũng như việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza và trao đổi thi thể các nạn nhân của mỗi bên. Đổi lại, Israel phải rút quân khỏi vùng lãnh thổ này và hai bên sẽ ký kết thỏa thuận về việc chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ yêu cầu của Hamas về một lệnh ngừng bắn kéo dài 135 ngày và cam kết sẽ thúc đẩy cuộc chiến ở Dải Gaza cho đến khi “hoàn toàn chiến thắng”. Phát biểu họp báo đêm 7/2, Nhà lãnh đạo Israel tuyên bố sắp “hoàn toàn chiến thắng và chiến thắng trong tầm tay” chỉ trong vài tháng nữa.
Liên quan đến vụ Mỹ không kích nhiều mục tiêu ở Syria và Iraq, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/2 xác nhận nước này đã không thông báo trước cho Iraq về các cuộc không kích mà Washington thực hiện mới đây nhằm vào các nhóm mục tiêu bị nghi có liên quan đến Iran tại Iraq, qua đó bác thông tin trước đó từ Nhà Trắng.
Về tình hình Yemen, theo số liệu mới nhất, lực lượng Houthi đã tấn công hơn 30 tàu dân sự ở Biển Đỏ và Vịnh Aden kể từ giữa tháng 11/2023. Nhằm đáp trả động thái trên, các lực lượng của Mỹ và Anh đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công bằng máy bay, tàu chiến và tàu ngầm nhằm vào các mục tiêu của Houthi tại một số thành phố của Yemen.
Trong khi đó, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ buộc nhiều công ty vận tải biển chủ chốt chuyển hướng khỏi tuyến hàng hải quan trọng này. Các vụ tấn công của Houthi đã khiến doanh thu của kênh đào Suez trong 1/2024 giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 804 triệu USD xuống còn 428 triệu USD.
Diễn biến mới trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Tổng thống Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tổ chức ngày 4/2 tại bang South Carolina, để bắt đầu hành trình giành tấm vé đề cử của đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống.
Với hơn 50% số phiếu được kiểm, ông Biden đã giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ hơn 96% ở bang miền Nam, nơi đang diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ chính thức đầu tiên của đảng Dân chủ để chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Chiến thắng này diễn ra sau khi Tổng thống Biden ủng hộ động thái chưa từng có nhằm biến South Carolina trở thành bang bỏ phiếu đầu tiên của đảng Dân chủ trước New Hampshire, một phần trong nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy tiếng nói đa dạng trong các cuộc bầu cử sơ bộ sớm của đảng này do quy mô dân số của South Carolina lớn hơn rất nhiều so với New Hampshire.
Mặc dù Tổng thống Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire hôm 23/1 khi những người ủng hộ viết tên ông trên lá phiếu, nhưng ông không nhận được bất kỳ đại biểu thực sự nào ở bang này vì đảng Dân chủ không chính thức chấp thuận cuộc bầu cử đó. Do vậy, chiến thắng tại South Carolina là chiến thắng chính thức đầu tiên của ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng trong cuộc bầu cử sơ bộ.
OECD điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Theo báo cáo triển vọng kinh tế thường niên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến sẽ giảm từ 3,1% năm 2023 xuống 2,9% năm 2024, cao hơn so với mức dự báo 2,7% được đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái.
OECD điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do triển vọng lạc quan đối với kinh tế Mỹ, bù đắp cho triển vọng kinh tế u ám của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong khi đó, tổ chức có trụ sở tại Paris này giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 ở mức 3%.
Đối với các nền kinh tế lớn, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,1% năm 2024 và 1,7% năm 2025 trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt giúp lương tăng và thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang (Fed) giảm lãi suất. Trước đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay và năm tới lần lượt được dự báo là 1,5% và 1,7%. Trong báo cáo mới nhất, OECD cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 và 2025 lần lượt là 4,7% và 4,2%.
Trong khi lạm phát giảm tại những nền kinh tế lớn, OECD cho rằng còn quá sớm để khẳng định các nền kinh tế đã cơ bản kiểm soát được áp lực giá cả. Tổ chức này nêu bật một số mối đe dọa do xung đột giữa Hamas -Israel và các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen vào tàu chở hàng được cho là liên quan đến Israel ở Biển Đỏ. Báo cáo nhấn mạnh căng thẳng địa chính trị tăng cao gây rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế và lạm phát, đặc biệt nếu xung đột tại Trung Đông gây gián đoạn thị trường năng lượng.
OECD cảnh báo nếu xung đột lan rộng hoặc leo thang, có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động vận tải ở phạm vi rộng hơn so với dự báo hiện nay, tăng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và đẩy giá năng lượng tăng nếu các tuyến đường biển huyết mạch vận chuyển dầu và khí đốt từ Trung Đông đến châu Á, châu Âu và châu Mỹ bị gián đoạn.
Châu Á rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Hàng trăm triệu gia đình trên khắp thế giới đã chia tay năm Quý Mão, đón Năm mới Giáp Thìn trong không khí rộn ràng với nhiều hy vọng.
Lễ hội Tết Nguyên đán truyền thống diễn ra từ ngày 10/2 năm nay. Người dân ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore,… đã hoà vào bầu không khí hân hoan chào Năm mới vớicác hoạt động đầy hấp dẫn như gặp gỡ gia đình và bạn bè, thờ cúng tổ tiên, trình diễn bắn pháo hoa, múa lânvà du xuân.
Tại Trung Quốc, năm Giáp Thìn đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm nước này đón Tết Nguyên đán mà không có bất kỳ hạn chế nào về đại dịch COVID-19.
Dù thời tiết lạnh giá và bão tuyết, hàng triệu công nhân thành thị vẫn bất chấp những nhà ga đông đúc để lên đường về quê đón năm mới. Hàng tỷ chuyến đi đã được thực hiện ở Trung Quốc trong thời gian 40 ngày được gọi là “Xuân vận” – cuộc di cư hàng năm lớn nhất trên thế giới.