Nóng trong tuần: Mục tiêu mới của quân đội Israel; Nền kinh tế Nhật Bản tụt hạng

Israel mở chiến dịch trên bộ vào Rafah, Triều Tiên phóng loạt tên lửa, Nhật Bản trượt khỏi Top 3 nền kinh tế thế giới... là những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Triều Tiên dồn dập phóng tên lửa

Chú thích ảnh
Triều Tiên phóng tên lửa đất đối hải Padasuri-6 ngày 14/2/2024. Ảnh: KCNA/TTXVN

Trong ngày 14/2, Triều Tiên đã phóng một số tên lửa hành trình và tên lửa đất đối hải mới ra ngoài khơi bờ biền phía Đông. Đây là lần thứ 5 Bình Nhưỡng phóng tên lửa hành trình trong năm 2024. Trước đó, nước này cũng đã tiến hành các vụ thử vũ khí bao gồm phóng tên lửa hành trình từ biển và đất liền, cũng như bắn pháo vào vùng biển gần hải giới liên Triều ở phía Tây.

Đáng chú ý trong loạt phóng thử ngày 14/2, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thị sát vụ phóng tên lửa mới với tên gọi Padasuri-6. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu sau khi bay qua vùng biển ở phía Đông Bán đảo Triều Tiên trong khoảng 1.400 giây. Tuy nhiên, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) không công bố thêm thông tin chi tiết khác, như số lượng tên lửa đã được phóng thử trong vụ phóng này.

Cũng theo hãng KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ra lệnh tăng cường phòng thủ ở vùng biển phía Bắc các đảo biên giới Yeonpyeong và Baengnyeong của Hàn Quốc, đồng thời cáo buộc các tàu chiến Hàn Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển của Triều Tiên. Cụ thể, ông Kim Jong-un cáo buộc Hàn Quốc cử tàu chiến và tàu tuần tra tới Đường Ranh giới trên biển (NLL) - một ranh giới mà Triều Tiên không công nhận.

Trong một cuộc họp quốc hội hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo nếu Hàn Quốc vi phạm dù chỉ 0,001 mm lãnh thổ đất, vùng trời hoặc vùng biển của Triều Tiên, điều đó sẽ bị coi là hành động kích độngchiến tranh.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang đã khiến quân đội Hàn Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật để đáp trả. Giữa tháng 1, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã cùng tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển phía Nam Bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của 9 tàu chiến từ 3 quốc gia, đặc biệt là sự xuất hiện của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Mỹ USS Carl Vinson. Hàn Quốc đã điều động các tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, trong khi Nhật Bản triển khai các tàu khu trục lớp Kongo của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải.

Nơi trú ẩn cuối cùng của người Palestine bên bờ sụp đổ

Chú thích ảnh
Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 12/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Israel đã bắn tín hiệu sớm triển khai một chiến dịch trên bộ nhằm vào Rafah – thành phố sát biên giới với Ai Cập và là nơi trú ngụ của 1,5 triệu người Palestine sau khi chạy nạn khỏi các vùng khác ở Dải Gaza.

Ngày 9/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị sơ tán dân thường khỏi Rafah trước khi tiến hành chiến dịch trên bộ chống lại Hamas ở thành phố này. Kế hoạch này của Israel đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Mỹ do lo ngại nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/2 cảnh báo một cuộc tấn công của quân đội Israel nhằm vào Rafah ở miền Nam Gaza sẽ gây ra một "thảm họa khôn lường" và đẩy hệ thống y tế của khu vực này đến gần hơn với bờ vực sụp đổ.

Trong khi đó, Phong trào Hồi giáo Hamas cảnh báo chiến dịch tấn công Rafah của Israel có thể gây thương vong cho hàng chục nghìn người ở thành phố. Văn phòng của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas gọi động thái này là mối đe dọa với an ninh và hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới, là hành vi vượt mọi lằn ranh đỏ.

Về phần mình, các nguồn thạo tin tiết lộ Ai Cập đang chuẩn bị một khu vực ở biên giới Dải Gaza vốn có thể được sử dụng là nơi trú ẩn cho người Palestine trong trường hợp Israel tiến hành một cuộc tổng tiến công nhằm vào Rafah. Ai Cập nhiều lần đã cảnh báo rằng một cuộc tổng tiến công như như vậy của Israel sẽ dẫn tới một cuộc di tản quy mô lớn của người Palestine sang khắp Sinai, điều mà Cairo cho là không thể chấp nhận được.

Ngày 12/2, Israel đã tiến hành loạt đợt tấn công vào các địa điểm trong Rafah. Theo cơ quan y tế Palestine, ít nhất 67 người đã thiệt mạng sau khi các vụ không kích của quân đội Israel đánh trúng 14 ngôi nhà và 3 đền thờ tại khu vực Shaboura vào rạng sáng.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định hoạt động quân sự nhằm vào Rafah sẽ tiếp tục cho đến khi Hamas bị loại bỏ, đồng thời nói thêm rằng ông sẽ cung cấp hành lang an toàn cho những người dân muốn rời đi.

Cùng ngày, quân đội Israel thông báo 2 con tin đã được giải cứu ở Rafah sau gần 130 ngày bị giam giữ.

Indonesia đặt kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo mới

Chú thích ảnh
Ứng viên Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (giữa) bên những người ủng hộ sau khi kết quả thăm dò bầu cử được công bố, tại Jakarta ngày 14/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã tuyên bố giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia Đông Nam Á này sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngoài phòng bỏ phiếu được công bố.

Mặc dù theo lịch trình bầu cử, kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử tại Indonesia chỉ được công bố vào tháng 3 tới, song các hãng thăm dò ý kiến được chính phủ phê duyệt đã thu thập mẫu phiếu bầu tại các điểm bỏ phiếu để thực hiện công tác "kiểm phiếu nhanh" đáng tin cậy, theo đó kết quả cho thấy ông Prabowo Subianto giành được trên 55% số phiếu ủng hộ, với hầu hết mẫu phiếu bầu đã kiểm. Ứng cử viên tổng thống Prabowo Subianto cũng khẳng định sẽ chờ kết quả chính thức từ ủy ban bầu cử.

Tổng cộng có hơn 204,8 triệu cử tri đã thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm tại hơn 820.000 điểm bỏ phiếu trong nước cùng với hơn 3.000 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài.

Đây là cuộc bầu cử thứ 5 của Indonesia kể từ quá trình chuyển đổi dân chủ của nước này vào cuối những năm 1990. Cuộc bầu cử này được đánh giá là lớn nhất, phức tạp nhất trên thế giới, khi cử tri phải lựa chọn 20.614 vị trí gồm tổng thống, phó tổng thống; 152 ghế hội đồng đại diện khu vực (DPD), 580 ghế cơ quan lập pháp cấp quốc gia (DPR); 2.327 ghế cho DPR I (cấp tỉnh) và 17.510 ghế DPRD II (cấp quận, huyện) tại 38 tỉnh và 514 huyện, thành phố.

Nhật Bản để vuột vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới

Chú thích ảnh
Cảng hàng hoá ở Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Số liệu chính thức công bố sáng 15/2 cho thấy GDP Nhật Bản đạt 4.200 tỷ USD, tăng 1,9% trong năm 2023. Tuy nhiên, con số này lại thấp hơn Đức, với 4.500 tỷ USD, khiến Nhật Bản mất ngôi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới về tay cường quốc châu Âu.

Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á đã giảm 0,4% hằng năm trong quý từ tháng 10-12/2023 so với 3 tháng trước đó, sau mức giảm 3,3% được điều chỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2023. Hai quý suy thoái liên tiếp có nghĩa là nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái kỹ thuật, đặt ra thách thức với chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong nỗ lực tìm cách đạt được mức tăng trưởng nhờ tăng nhu cầu trong nước đi kèm với việc tăng lương.

Chuyên gia Yoshiki Shinke tại Viện nghiên cứu nhân thọ Dai-ichi cho biết các số liệu nói chung là một “bất ngờ tiêu cực”, chỉ ra rằng tiêu dùng và đầu tư vốn ảm đạm và “có thể có xu hướng tiết kiệm tiền ngày càng tăng do lạm phát". Chuyên gia Shinke dự kiến tình hình sẽ còn trượt dốc hơn nữa từ tháng 1-3/2024 do xuất khẩu giảm, điều này có thể đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ suy giảm trong quý thứ ba liên tiếp.

Theo ông Hideo Kumano - nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, yếu tố chính đằng sau sự sụt giảm GDP của Nhật Bản là biến động tiền tệ. Đồng yen suy yếu đang thu hẹp quy mô của nền kinh tế Nhật Bản. Quy mô nền kinh tế Nhật Bản chỉ thua kinh tế Đức khi tính theo GDP quy đổi ra đồng USD. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chính là do đồng nội tệ Nhật Bản lao dốc từ mức dưới 80 yen đổi 1 USD xuống còn khoảng 141 yen vào năm ngoái.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Yoshitaka Shindo nhấn mạnh việc Nhật Bản bị Đức vượt qua cho thấy nước này cần phải thúc đẩy cải cách cơ cấu và tạo ra một giai đoạn mới cho tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia dự đoán trong bối cảnh Nhật Bản còn đang vật lộn với những thách thức kinh tế trong nước, Ấn Độ có khả năng vượt qua Nhật Bản về GDP danh nghĩa trong tương lai. Theo số liệu mới đây của IMF, dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2026 và vượt Đức vào năm 2027.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Tình báo quân đội Israel dự đoán Hamas có thể trở thành nhóm du kích hậu chiến
Tình báo quân đội Israel dự đoán Hamas có thể trở thành nhóm du kích hậu chiến

Tình báo quân đội Israel đã chuyển một báo cáo tới các nhà lãnh đạo nước này cảnh báo rằng ngay cả khi Tel Aviv tiêu diệt được Hamas trong vai trò lực lượng quân sự có tổ chức ở Gaza thì lực lượng này vẫn có thể tồn tại như một nhóm khủng bố và du kích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN