Theo Chyslain Wattrelos – người đàn ông Pháp có vợ và hai con là nạn nhân trên chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines xấu số, việc rà soát lại hành khách đi trên chuyến bay MH370 xuất hiện thêm nhiều nghi vấn mới.
Lai lịch “đặc biệt”
Các nhà điều tra Pháp đã phát hiện trên máy bay có một hành khách người Malaysia có kiến thức về ngành hàng không ngồi ở vị trí ngay dưới mô-đun liên lạc vệ tinh, ám chỉ người này có thể tấn công giành quyền kiểm soát máy bay.
Bên cạnh đó, nghi vấn còn xuất hiện từ hai vị khách Ukraine và một công dân Mỹ có “lý lịch không điển hình”. Một công dân Iran khác thì chia sẻ một dòng trạng thái trên Facebook mong mọi người cầu nguyện cho anh ta trước chuyến bay.
MH370 lôi Mỹ vào cuộc
Wattrelos cho biết thêm các nhà điều tra Pháp hy vọng tới Mỹ để gặp FBI – những người phân tích ổ cứng dữ liệu từ mô hình bay tại gia của cơ trưởng Zaharie Shah. Chuyến đi trước đó vào tháng 9 không đạt được kết quả sau khi FBI phản đối vì “thông tin tối mật” và quy định bí mật thương mại của nhà sản xuất Boeing.
“Chúng tôi khá nóng giận và bây giờ chúng tôi muốn nói hãy ngừng lại đi, đã đến lúc Mỹ thực sự phải hợp tác vấn đề này. Cần thiết phải tới Mỹ vì ở đó có đến 3 cơ quan nắm giữ những thông tin quan trọng về điều đã thực sự xảy ra trên chuyến bay”, Chyslain Wattrelos nhấn mạnh.
“Bên thứ 3” nắm giữ dữ liệu mật?
Các nhà điều tra của Cơ quan Vận tải hàng không Pháp (Air Transport Gendarmerie - ATG) cũng phát hiện một đơn vị thứ 3, SITA - công ty có trụ sở ở Thụy Sỹ cung cấp dịch vụ liên lạc vệ tinh cho hãng hàng không Malaysia Airlines. Nhiệm vụ bây giờ là phải tìm ra câu trả lời liệu phần mềm của SITA có khả năng can thiệp hệ thống SATCOM (vệ tinh thông tin) - vệ tinh nhân tạo đặt trong không gian dùng cho viễn thông.
Các nhà điều tra cũng chỉ ra sự không thống nhất trong báo cáo của Malaysia. Cụ thể, các nhà điều tra Malaysia tuyên bố máy bay đã đạt độ cao gần 17,7 km tại một số thời điểm bay, song độ cao thực sự khi đang di chuyển của một chiếc Boeing 777 thông thường chỉ là hơn 13 km.
Bên cạnh đó, cơ phó được báo cáo là đã dùng điện thoại di động gọi điện ngay trước khi máy bay biến mất khỏi radar, song dữ liệu tương tự về 238 hành khách và phi hành đoàn lại không được báo cáo.
Chuyến bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 8/3/2014, chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Chiếc máy bay đột nhiên biến mất khỏi màn hình radar trong thời điểm bàn giao giữa hai bộ phận điều khiển không lưu của hai nước Malaysia và Việt Nam.
Sau 5 năm tìm kiếm, đến tháng 7/2018, giới chức Malaysia thừa nhận họ không biết chuyện gì xảy ra đối với chiếc máy bay. Kok Soo Chon – Trưởng thanh tra chính phủ Malaysia – cho biết chiếc máy bay đã chuyển sang hệ thống lái bằng tay trước khi biến mất trên màn hình radar, làm dấy lên giả thuyết máy bay bị tin tặc tấn công hoặc do một trong hai phi công cố tình lái đâm xuống biển để tự sát.
Theo báo cáo điều tra an toàn MH370, từ dữ liệu radar và phân tích vệ tinh cho thấy chiếc máy bay đã thay đổi hành trình bay, quay trở lại bán đảo Malaysia và sau đó hướng về Ấn Độ Dương bay thêm một vài giờ nữa. Bản điều tra kết luận chiếc MH370 cuối cùng đã cạn kiệt nhiên liệu và rơi xuống vùng biển phía tây Australia.