Sau nhiều ngày "quanh co", Saudi Arabia đã thừa nhận ông Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán nước này ở Istanbul vào ngày 2/10. Theo nguồn tin chưa chính thức, những phần thi thể của nhà báo này đã được cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tìm thấy dưới giếng trong vườn nhà Tổng lãnh sự Saudi Arabia hôm 23/10.
Thông tin về việc tìm thấy xác của cây bút bình luận chính trị Khashoggi càng làm thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ từ cộng đồng quốc tế. Ngay trong ngày 23/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi là "một trong những vụ che đậy tội ác tồi tệ nhất lịch sử". Ông Trump nhấn mạnh muốn biết toàn bộ sự thật về cái chết của nhà báo Khashoggi, đồng thời cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel tới Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp điều tra vụ việc. Cùng ngày, Ngoại trưởng các nước công nghiệp hàng đầu (G-7) đã ra tuyên bố "lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất" và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, đáng tin cậy, minh bạch và nhanh chóng.
Lúc này dư luận đang chờ một phản ứng "đáng kể" từ Mỹ trước vụ thủ tiêu nhà báo Khashoggi. Washington có trách nhiệm bảo vệ cư dân Mỹ bởi nhà báo Khashoggi đang sống ở Virginia, đồng thời thể hiện lập trường ủng hộ tự do báo chí. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt thông thường lại là một phản ứng không đầy đủ. Dưới đây là những công cụ mà Tổng thống Trump có thể sử dụng, và nếu ông không thể hiện sức mạnh, hiện đã có nhiều tiếng nói kêu gọi Quốc hội Mỹ phải "ra tay".
Đạo luật Magnitsky
Cuộc thảo luận về trừng phạt Saudi Arabia sẽ tập trung vào Đạo luật Magnitsky, đạo luật cho phép Mỹ thực thi các lệnh trừng phạt trên phạm vi toàn cầu nhắm vào những cá nhân chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nhân quyền.
Việc sử dụng Luật Magnitsky cũng là một sự thừa nhận ngầm rằng các lệnh cấm đối với quốc gia hoặc khu vực rộng lớn hơn là không phù hợp để đối đầu với Saudi Arabia. Người Saudi đã đe dọa sẽ kiềm chế xuất khẩu dầu để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ, khiến giá dầu tăng đột biến. Hiện nay, Saudi Arabia đã hội nhập nhiều hơn và quan trọng hơn đối với nền kinh tế thế giới so với các mục tiêu khác của đòn trừng phạt Mỹ như Iran, Cuba, Myanmar, thậm chí Nga. Do đó, việc cố gắng cô lập Riyadh cũng sẽ khó khăn và không hiệu quả, ngay cả khi vũ khí dầu mỏ của Saudi không phải là một mối đe dọa.
Trong bối cảnh đó, việc trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế rộng lớn hơn có thể là những công cụ hiệu quả để thay đổi chính sách của Saudi Arabia. Tuy nhiên, nếu lệnh trừng phạt Magnitsky nhắm mục tiêu vào những "con cá nhỏ" như nghi phạm trong vụ sát hại nhà báo hoặc một "vật tế thần" nào đó được Saudi lựa chọn, thì hiệu quả đạt được sẽ rất thấp. Thay vào đó, các lệnh trừng phạt Magnitsky có thể nhắm đến các quan chức cao cấp nhất, thậm chí cả Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Một vấn đề là, cũng như các biện pháp trừng phạt quốc gia hoặc khu vực, Saudi Arabia là đất nước quá lớn để bị cô lập. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Arập sở hữu danh mục khổng lồ các tài sản quốc tế mà ngay cả những đòn trừng phạt có mục tiêu cũng có thể gây ra những hậu quả kinh tế khó lường. Washington chắc chắn sẽ phải tính đến tác động của việc trừng phạt Saudi Arabia đối với nền kinh tế toàn cầu, sau kinh nghiệm rút ra từ việc các biện pháp trừng phạt Nga đã dẫn đến tình tạng gián đoạn trong thị trường nhôm thế giới.
Ngừng ủng hộ cuộc chiến tranh ở Yemen
Cuộc chiến ở Yemen là nơi người Saudi Arabia được can dự nhiều nhất với lực đòn bẩy của Mỹ. Cuộc chiến tại nước này là một thảm họa vô nghĩa. Ước tính khoảng 10.000 người đã thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, và có thể dẫn đến nạn đói tồi tệ nhất trong thế kỷ. Mỹ đã hỗ trợ trực tiếp cho Saudi Arabia dưới thời cả Tổng thống Trump và người tiền nhiệm Barack Obama. Washington có thể tận dụng cơ hội này để đảo ngược sự dính líu khủng khiếp này bằng cách rút lui sự hỗ trợ về hậu cần và tình báo.
Rút khỏi cuộc xung đột khu vực giữa Saudi Arabia và Iran
Tổng thống Trump sẽ có cơ hội cân bằng chính sách khu vực của mình trong những tuần tới. Các biện pháp trừng phạt sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được nối lại đầy đủ vào ngày 4/11 sắp tới, nhưng hiện tại Washington vẫn mơ hồ hoặc mâu thuẫn về các chi tiết quan trọng, chẳng hạn như liệu có miễn giảm thuế cho một lượng dầu bán ra nhất định hay không.
Bằng cách giảm bớt vai trò trong những tuần tới, Mỹ có thể tự tách mình khỏi một mối quan hệ khác thể hiện chính sách quyết đoán của Saudi cũng như giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ Saudi để ổn định thị trường dầu khi xuất khẩu của Iran giảm do lệnh trừng phạt.
Hạn chế hợp tác quân sự
Mối quan hệ giữa các cơ quan an ninh của Mỹ và Saudi Arabia là quan trọng và không nên bị cắt đứt, nhưng trước mắt nó có thể được làm nguội bớt.
Hoạt động bán vũ khí cho Saudi Arabia có thể được xem xét cẩn thận hơn. Tuyên bố của Tổng thống Trump rằng hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia sẽ làm tổn hại nền kinh tế Mỹ bị phe phản đối cho là "ngớ ngẩn" bởi Saudi Arabia mua khoảng 9 tỷ USD vũ khí Mỹ từ năm 2013-2017, và trong thời gian đó sản lượng kinh tế của Mỹ vượt quá 90 nghìn tỷ USD. Quan trọng hơn, Mỹ cần xác định độc lập các đơn vị an ninh chịu trách nhiệm về vụ sát hại ông Khashoggi và đảm bảo rằng họ phải tuân thủ nghiêm ngặt cái gọi là "tiêu chuẩn Leahy", vốn cấm hỗ trợ các đơn vị quân sự nước ngoài liên quan đến vi phạm nhân quyền.
'Xa cách' với Thái tử Mohammed bin Salman
Mỹ có thể không có vấn đề gì nhiều với Saudi Arabia như vấn đề với Thái tử Mohammed bin Salman. Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể tìm cách gạt Thái tử Salman ra bên lề bằng cách nhấn mạnh vào những hoạt động thông qua Quốc vương và các quan chức khác của Saudi Arabia.