Tại London, Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi tìm ra “sự thật” liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Phát biểu trước quốc hội Anh, bà May nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng toàn thể quốc hội sẽ cùng tôi lên án vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Chúng ta phải tìm ra sự thật về những gì đã xảy ra”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng việc giới chức Saudi Arabia khẳng định nhà báo Khashoggi thiệt mạng sau một vụ ẩu đả là "không đáng tin cậy".
Thủ tướng Đức, một đồng minh châu Âu của Anh, cũng đã gọi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là “hành động tàn ác”, đồng thời khẳng định Berlin sẽ dừng bán vũ khí cho Riyadh cho đến khi vụ việc được làm rõ. Phát biểu trong một buổi vận động tranh cử tại thị trấn Ortenberg, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh: “Mọi thứ phải được làm rõ. Nếu mọi thứ chưa rõ ràng, Đức sẽ không xuất khẩu vũ khí tới Saudi Arabia. Tôi xin đảm bảo điều đó với mọi người”.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không hài lòng với những lời giải thích phía Riyadh liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định Washington cũng không muốn mất đi những sự đầu tư từ quốc gia Trung Đông này. Bên cạnh đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định nước này muốn biết mọi chi tiết về vụ sát hại nhà báo Khashoggi và hiện Washington vẫn đang liên lạc với phía Riyadh. Đài Ekho Moskvy của Nga dẫn lời ông Bolton nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn biết rõ sự thật chứ không phải những lời nói đơn thuần. Đầu tiên, chúng tôi muốn biết lý do dẫn đến cái chết của ông Khashoggi. Ai đã giết ông ta? Chúng tôi muốn toàn bộ thông tin chi tiết về quá trình diễn ra vụ viêc”.
Tại Canada, Thủ tướng nước này đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp với các bộ trưởng trong nội các và nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ, nhằm thảo luận về “vụ giết người man rợ” xảy ra đối với nhà báo Khashoggi. Theo văn phòng Thủ tướng Canada, những lời giải thích từ phía Saudi Arabia liên quan đến vụ việc đều “thiếu nhất quán và không đáng tin cậy”.
Cũng trong ngày 22/10, đài NTV của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nhà chức trách nước này không được phép khám xét một chiếc xe gắn biển số ngoại giao của Saudi Arabia tại Istanbul, do không được Lãnh sự quán Saudi Arabia cho phép. Chiếc xe thuộc về Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul và được phát hiện trong một bãi đỗ xe ở quận Sultangazi.
Cùng ngày, kênh tin tức Haber thân Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng tải một đoạn video trích xuất từ máy quay giám sát, trong đó có cảnh 3 người đàn ông đang đốt các tài liệu ở sân sau của Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul. Đoạn video được ghi ngày 3/10, một ngày sau khi nhà báo Khashoggi bị sát hại bên trong khuôn viên tòa lãnh sự.