Vấn đề nhãn tiền
Mùa hè sắp đến gần, nhiều chính phủ trên khắp thế giới đã rốt ráo tìm hướng đi giải quyết tình trạng thiếu nước trước mắt và cả trong tương lai.
Từ sáng 15/4, thủ đô Bogota của Colombia buộc phải triển khai biện pháp phân phối nước luân phiên theo khu vực, bởi một số hồ chứa đã hạ xuống với mức thấp chưa từng có. Bogotá và hàng chục thị trấn xung quanh được chia thành 9 khu vực với nước sinh hoạt bị cắt trong 24 giờ ở mỗi khu vực theo chu kỳ 10 ngày một lần. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 9 triệu người.
Khủng hoảng nước tại các thành phố ở Mỹ Latinh không phải là mới. Thủ đô Mexico cũng có nguy cơ cạn nước do tác động phối hợp của biến đổi khí hậu, El Nino... Và việc phân phối nước luân phiên như ở Bogota chỉ là biện pháp tạm thời. Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhamad đã đề nghị chính quyền Bogota soạn thảo các kế hoạch dài hạn nhằm giải quyết nguồn cung cấp nước đang cạn kiệt.
Trong thời gian qua, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã dành nguồn lực để nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm nhằm bảo vệ nguồn nước theo hướng bền vững, lâu dài.
Những lời giải "bền và vững"
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái nước ngọt với vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn và rừng, có khả năng lọc nước tự nhiên và đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn nước ngầm. Tính đến nay, đã có 46 quốc gia tham gia Freshwater Challenge – mục tiêu đầy tham vọng nhằm khôi phục hơn 300.000 km sông ngòi và 350 triệu ha đất ngập nước vào năm 2030. Freshwater Challenge đã ra mắt tại Hội nghị Nước LHQ ở New York (Mỹ) vào tháng 3/2023.
Ngoài ra, cần linh hoạt sử dụng công nghệ và pháp lý để quản lý tài nguyên nước hiệu quả, công bằng hơn. Yếu tố này đã được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam. Ngày 6/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có nêu rõ về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để nâng cao hiệu quả sử dụng nước; lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác; thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát trong các hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn; thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Một trong những yếu tố khác cần tập trung là tăng cường khả năng phục hồi nước đô thị. Một số ví dụ bao gồm đảm bảo cung cấp nước ngầm hoặc xây dựng nhà máy khử mặn nước biển để đối phó với thời kỳ khan hiếm nước. Trên thực tế, nhiều quốc gia gặp vấn đề về khan hiếm nước đã xây dựng các nhà máy khử mặn lớn, như Saudi Arabia, Israel, Ấn Độ, Mexico… Ngày càng có nhiều thành phố trên toàn cầu tái chế nước thải thành nước uống, điều mà thủ đô của Namibia đã làm trong nhiều thập niên. Các cơ sở ở Trung Quốc và Mỹ còn linh hoạt biến phụ phẩm từ quá trình xử lý nước thải thành phân bón.
Tình trạng thiếu nước có thể khác nhau đáng kể ở từng khu vực. Nhưng trong một số trường hợp, nó gây ra thiệt hại trên diện rộng, bao gồm cả sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế và thương mại toàn cầu. Nó cũng có thể thúc đẩy di cư hàng loạt và gây ra xung đột. Do đó, đây không phải là vấn đề chỉ nằm trong phạm vi một quốc gia, và cần có hợp tác quốc tế về quản lý nước, giáo dục và nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của quản lý tài nguyên nước.
Minh chứng cho hướng đi này là Sáng kiến Xúc tác Nước Đô thị do Đức và Hà Lan cùng Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác quốc tế khác khởi xướng, đã được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Sáng kiến này nhằm tăng cường các tiện ích về nước ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình qua việc tập hợp một quỹ để hỗ trợ tài chính, kỹ thuật.
Một ví dụ khác về hợp tác xuyên biên giới đảm bảo an ninh nguồn nước là dự án “Thúc đẩy an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã, sông Neun, sông Cả và vùng ven biển liên quan” giữa Việt Nam và Lào. Chính phủ Việt Nam và Lào ủng hộ mạnh mẽ dự án này và sẽ hợp tác chặt chẽ với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cùng các đối tác ở hai nước để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu cũng như cải thiện việc quản lý tài nguyên thiên nhiên tại hai lưu vực sông.
Đối với vấn đề xâm nhập mặn, có thể đối phó bằng cách hạn chế khai thác nước bề mặt và nước ngầm, bơm nước đã qua xử lý vào các tầng ngậm nước để tăng lực đẩy nước mặn xâm nhập. Việc xây dựng các đê chắn sóng hoặc duy trì hệ thống cồn cát cũng có thể giúp ngăn nước biển xâm nhập, nhưng chúng chỉ bảo vệ trên bề mặt chứ không phải dưới lòng đất. Bởi vậy, có thể lắp đặt các rào chắn ngầm để ngăn nước mặn sâu hơn vào đất liền.
Nông nghiệp, vốn sử dụng đến 70% lượng nước ngọt hàng năm, cũng là lĩnh vực liên quan chính trong quản lý tài nguyên nước. Cần áp dụng các biện pháp nông nghiệp tiết kiệm nước, chẳng hạn như tưới nhỏ giọt và thu gom nước mưa. Bằng cách áp dụng các công nghệ và phương pháp thực hành mới, người nông dân có thể trở thành tấm gương về sử dụng nước bền vững trong cộng đồng.
Chính bản thân mỗi người dân cũng có thể góp sức trong bảo vệ nguồn nước qua thực hành các biện pháp tiết kiệm nước trong cuộc sống hàng ngày như dùng các thiết bị tiết kiệm nước và khắc phục kịp thời những chỗ rò rỉ.
Ngoài vai trò của chính phủ và người dân, còn có nhiều bên liên quan quan trọng khác có thể đóng góp cho bảo vệ tài nguyên nước trước biển đổi khí hậu, đó là các tổ chức học thuật và nghiên cứu, tổ chức quốc tế, phương tiện truyền thông, tổ chức tài chính...
Tóm lại, biến đổi khí hậu đang có tác động sâu sắc đến tài nguyên nước, kéo theo ảnh hưởng đến sức khỏe con người, phát triển kinh tế và hệ sinh thái. Điều cần thiết là cần nhanh chóng hành động để đối phó những tác động này, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước và thúc đẩy một tương lai bền vững cho các thế hệ sau.