Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới đang kỳ vọng sẽ thoát khỏi một năm 2020 thảm hại khi OPEC+ buộc phải cắt giảm mạnh sản lượng để ứng phó với việc nhu cầu tiêu thụ bị thu hẹp đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 4/2020, mức cắt giảm sản lượng hiện tại của OPEC+ là 7,7 triệu thùng/ngày có thể giảm xuống 5,8 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021, song hầu hết các nhà quan sát đều dự đoán mức cắt giảm hiện tại sẽ được kéo dài thêm từ 3-6 tháng.
Trong những tuần gần đây, các nhà sản xuất dầu chủ chốt thuộc OPEC+ đã có hàm ý rằng việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể được nhóm này xem xét trong cuộc họp chính sách sắp tới, bất chấp những thông tin tích cực về việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 của một số hãng dược phẩm trên thế giới.
Các hãng dược phẩm AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna mới đây đều đã thông báo về kết quả thử nghiệm đáng khích lệ của vắc-xin ngừa COVID-19 mà họ nghiên cứu. Điều này đã mang lại triển vọng sáng sủa hơn cho nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi hiệu quả của vắc-xin sẽ cần có thêm thời gian để kiểm nghiệm, OPEC và các đồng minh sẽ tập trung vào việc hỗ trợ giá dầu trong quý đầu tiên và có thể là quý thứ hai của năm 2021.
Mặc dù việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng là kịch bản dễ xảy ra nhất tại cuộc họp của OPEC+ trong tuần tới, nhưng vẫn luôn tồn tại khả năng xảy ra bất đồng giữa 23 quốc gia liên quan.
Hồi tháng Ba năm nay, Saudi Arabia và đồng minh quan trọng là Nga đã bước vào cuộc chiến giá dầu khi Nga từ chối đề xuất tiếp tục cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia, khiến quốc gia Trung Đông này có màn đáp trả gay gắt bằng tuyên bố tăng sản lượng lên mức kỷ lục và khiến thế giới “ngập” dầu giá rẻ. Vào giữa tháng 11/2020, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) bày tỏ sự miễn cưỡng trước viễn cảnh áp dụng đầy đủ các hạn mức cắt giảm sản lượng tới vào cuối năm nay.
Sau đó, một chủ đề nhạy cảm nổi lên, đó là liệu tất cả các thành viên hiện đang tuân thủ các hạn ngạch cắt giảm sản lượng đã được quy định hay không. Những nước vẫn đang vượt sản lượng được phân bổ như Iraq và Nigeria thường xuyên phải hứng chịu những chỉ trích từ Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia Abdelaziz bin Salman.
Trọng tâm chính của OPEC là giá dầu thô, hiện đã trở lại gần mức trước đại dịch là từ 45-50 USD/thùng đối với cả dầu ngọt nhẹ (WTI) và dầu Brent Biển Bắc. Song các thành viên của tổ chức này vẫn đang phải theo dõi sát sao số liệu về sản xuất dầu mỏ bên ngoài khối, cũng như lượng dầu hiện đang có trong các kho dự trữ.
Sản lượng của nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới ngoài OPEC là Mỹ hiện đã giảm từ mức cao nhất lịch sử vào đầu năm nay xuống còn khoảng 11 triệu thùng/ngày. Xu hướng này khó có thể bị đảo ngược khi người giành ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ Joe Biden, theo truyền thông Mỹ, đã cam kết sẽ không hạn chế nhiều hoạt động khai thác dầu mỏ.
Ngoài ra, OPEC cũng sẽ phải chú ý đến sự gia tăng sản lượng của ba thành viên đã được miễn áp dụng hạn ngạch cắt giảm sản lượng là Libya, Iran và Venezuela.