Theo báo cáo của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), biến đổi khí hậu làm gia tăng các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng trên khắp hành tinh, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess thậm chí còn cho biết năm 2023 là năm có tất cả các ngày cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nhiệt độ của năm 2023 có thể vượt quá nhiệt độ của bất kỳ giai đoạn nào trong ít nhất 100.000 năm qua.
Theo các nhà khoa học, mức tăng nhiệt độ trong gần nửa năm 2023 đã vượt 1,5 độ C - mức giới hạn được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Nếu mức tăng nhiệt vượt quá giới hạn này, tác động của khí hậu sẽ nhiều và nghiêm trọng hơn.
Năm 2023, thế giới đã chứng kiến các đám cháy rừng lớn ở Canada, hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi hoặc Trung Đông, các đợt nắng nóng "như thiêu như đốt" trong mùa Hè ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và mùa Đông ấm áp chưa từng thấy ở Australia và Nam Mỹ.
Giáo sư về biến đổi khí hậu thuộc Đại học Reading, ông Ed Hawkins, cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ tiếp diễn nghiêm trọng hơn cho đến khi con người "quay lưng hẳn" với nhiên liệu hóa thạch và đạt mức phát thải ròng bằng 0”. Ông đồng thời cảnh báo con người sẽ vẫn phải gánh chịu hậu quả trong nhiều thế hệ do không hành động ngay hiện nay.
Cũng theo báo cáo của C3S, khoảng thời gian 12 tháng (kết thúc vào tháng 1 hoặc tháng 2/2024), nhiệt độ có thể tăng vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Năm 2023 chứng kiến hình thái thời tiết El Nino xuất hiện trở lại. Các nhà khoa học dự báo tác động của hình thái thời tiết này sẽ đạt đỉnh trong năm 2024, và có thể khiến nhiệt độ ở mức cao kỷ lục trong 7 tháng liên tiếp (từ tháng 6 đến tháng 12).