Tuần trước, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã quyết định tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ 2 mũi, với lý do các nghiên cứu cho thấy hiệu quả của các loại vaccine hiện nay sẽ giảm dần theo thời gian. MHLW cho biết các phiếu tiêm vaccine sẽ được gửi cho người dân 8 tháng sau khi họ đã được tiêm mũi thứ 2.
Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 trước tiên cho các nhân viên y tế, bắt đầu từ tháng 2/2022, sau đó mở rộng phạm vi sang nhóm người trên 65 tuổi vào mùa Xuân, tiếp đến là những người mắc các bệnh nền như tiểu đường và cuối cùng là tiêm đại trà cho người dân. Bộ trưởng Kono khẳng định Nhật Bản có đủ nguồn cung vaccine để thực hiện chương trình này.
Phát biểu họp báo ngày 21/9, Bộ trưởng Kono đã chỉ thị các chính quyền địa phương bắt đầu lên phương án để đảm bảo kế hoạch cung cấp mũi vaccine thứ ba cho người cao tuổi diễn ra suôn sẻ.
Hiện một số nước trên thế giới, trong đó có Israel và Đức, có kế hoạch hoặc đã triển khai tiêm chủng mũi tăng cường để tránh tái diễn cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta. Các nhà khoa học vẫn có ý kiến chia rẽ về việc mở rộng tiêm mũi tăng cường cho người không có vấn đề về sức khỏe cũng như những lợi ích của mũi vaccine tăng cường này chưa được làm rõ.
* Một số chuyên gia y tế ở Singapore đang kêu gọi chính phủ nước này áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca chuyển biến nặng gia tăng ở những người chưa tiêm phòng.
Chính phủ Singapore áp dụng các biện pháp mở cửa trở lại song song với mục tiêu bao phủ vaccine. Tuy nhiên, nước này đã phải tạm hoãn việc nới lỏng các hạn chế trong tháng này để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh cho thấy số ca mắc COVID-19 chuyển biến nặng có thể gây quá tải hệ thống y tế.
Trao đổi với báo giới, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, ông Dale Fisher, cho biết ông đề xuất tiêm vaccine bắt buộc cho những người trên 60 tuổi do đây là nhóm tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất nếu mắc COVID-19. Ông chia sẻ nguyên nhân này cũng là lý do tại sao nhóm tuổi trên 60 được chọn để triển khai tiêm vaccine trước các nhóm tuổi khác cũng như triển khai tiêm mũi tăng cường.
Trong khi đó, chuyên gia Alex Cook tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định tiêm phòng có tác dụng bảo vệ tốt hơn nhiều so với các biện pháp khác hiện đang được áp dụng và ít gây thiệt hại hơn về mặt kinh tế và xã hội.
Singapore đã trở thành hình mẫu chống dịch COVID-19 trên thế giới, với việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định bắt buộc đeo khẩu trang, truy vết tiếp xúc các ca bệnh và đóng cửa biên giới. Cho đến nay, nước này ghi nhận 62 ca tử vong vì COVID-19 trong tổng dân số 5,7 triệu người, trong khi số ca mắc mới hằng ngày giảm đáng kể trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, giống như những quốc gia khác ở Đông Nam Á, biến thể Delta lây lan mạnh đã khiến số ca mắc mới ở Singapore tăng lên khoảng 1.000 ca/ngày.
Hiện tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Singapore đạt 82% dân số. Trong số những người đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc COVID-19 ghi nhận trong giai đoạn từ ngày 1/5-16/9, chỉ có 0,09% phải chuyển sang khu điều trị tích cực hoặc tử vong. Tỷ lệ này ở những người chưa tiêm phòng là 1,7%.