Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn báo cáo cho biết tại thời điểm ngày 15/9, số người cao tuổi tại Nhật Bản là 36,4 triệu người, tăng 220.000 người so với cùng thời điểm năm ngoái. Tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số tăng 0,3%, lên mức kỷ lục 29,1%. Xét theo giới tính, số người cao tuổi nam giới là 15,83 triệu người, nữ giới là 20,57 triệu người. Theo độ tuổi, số người từ 70 tuổi trở lên là 28,52 triệu người, tăng 610.000 người; số người từ 80 tuổi trở lên là 12,06 triệu người, tăng 460.000. Dân số của Nhật Bản tính đến ngày 15/9 là 125,22 triệu người, giảm 510.000 người.
Để thực hiện chính sách an sinh xã hội và đảm bảo nguồn lao động trong bối cảnh dân số giảm, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đảm bảo cơ hội việc làm cho những người cao tuổi có nguyện vọng. Theo luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4 năm nay, các doanh nghiệp có nghĩa vụ hỗ trợ việc làm cho người lao động đến năm 70 tuổi. Theo báo cáo của MIC công bố hồi tháng 1, số lượng lao động cao tuổi tại Nhật Bản năm 2020 là 9,06 triệu người, tăng 140.000 người so với năm 2019. Tỷ lệ lao động trong tổng số người cao tuổi tại Nhật Bản năm 2020 cũng tăng 0,2%, lên mức 25,1%, nghĩa là cứ 4 người cao tuổi có hơn 1 người đi làm.
Theo kết quả điều tra của Liên hợp quốc năm 2021, tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số của Nhật Bản đang đứng đầu thế giới, tiếp đến là Italy (23,6%) và vị trí thứ ba thuộc về Bồ Đào Nha (23,1%). Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội Nhật Bản ước tính tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số của Nhật Bản sẽ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35,3% vào năm 2040.