Trong chiến lược trên, Nhật Bản kêu gọi thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine tiên tiến cũng như xây dựng kế hoạch phân phối tài chính một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc mua vaccine do các công ty tư nhân bào chế trong trường hợp xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới. Ngoài ra, chiến lược trên cũng đề xuất mở rộng các mạng lưới nghiên cứu lâm sàng ở châu Á để thực hiện các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn một cách suôn sẻ ở khu vực này.
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết mặc dù dịch COVID-19 kéo dài nhưng Nhật Bản chưa đưa vaccine nội địa nào vào sử dụng và vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn cung từ Mỹ và châu Âu. Do vậy, ông khẳng định “việc thiết lập một hệ thống phát triển và sản xuất vaccine trong nước và tiêm vaccine một cách nhanh chóng là cực kỳ quan trọng cả trong bảo vệ sức khỏe con người và quản lý khủng hoảng”. Theo Thủ tướng Suga, Nhật Bản cần phải có một trung tâm hàng đầu về nghiên cứu và phát triển vaccine, cải thiện quá trình thử nghiệm lâm sàng và phê duyệt vaccine, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất vaccine.
Do chưa bào chế được vaccine phòng COVID-19 ở trong nước nên cho đến nay, Nhật Bản vẫn phải sử dụng vaccine của nước ngoài. Hiện nay, Nhật Bản đã cấp phép lưu hành các vaccine phòng COVID-19 của các công ty Pfizer Inc., Moderna Inc. và AstraZeneca Plc.
Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 từ tháng 2 vừa qua, bắt đầu với nhóm các nhân viên y tế, trước khi mở rộng cho nhóm người cao tuổi từ tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, tới nay, mới chỉ có khoảng 7% trong tổng số 126 triệu dân Nhật Bản được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Trong nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine đang bị đánh giá là chậm trễ, ngày 1/6, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ bắt đầu thực hiện tiêm phòng COVID-19 tại nơi làm việc và trường đại học từ ngày 21/6.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết lịch triển khai tiêm chủng tại nơi làm việc và trường đại học có thể được đẩy lên sớm hơn nếu chính phủ nhận thấy có triển vọng hoàn tất việc tiêm cho nhóm người trên 65 tuổi sớm hơn dự kiến là cuối tháng 7. Việc tăng số địa điểm tiêm chủng sẽ giúp giảm tải cho các cộng đồng địa phương và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Trong giai đoạn này, Nhật Bản sẽ sử dụng thêm vaccine của hãng Moderna (Mỹ).
Các công ty và các trường đại học sẽ quyết định các nhóm cần tiêm phòng, và thân nhân của các nhân viên cũng sẽ được tiêm nếu có nhu cầu, ưu tiên những người lớn tuổi hoặc những người có bệnh lý nền. Bên cạnh đó, các công ty và các trường học cũng tự chịu trách nhiệm huy động nhân viên y tế để tiến hành tiêm vaccine tại chỗ. Tình trạng thiếu nhân lực y tế có thể thực hiện tiêm chủng là một trong những nguyên nhân chính khiến chương trình tiêm phòng tại Nhật Bản chậm hơn so với các quốc gia phát triển khác.