Nhật Bản cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer cho nhóm trẻ từ 12-15 tuổi

Ngày 31/5, Chính phủ Nhật Bản đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ) cho nhóm trẻ từ 12-15 tuổi. Đây là loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng với trẻ em ở Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer cho người dân tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, việc tiêm phòng miễn phí vaccine của Pfizer tại Nhật Bản đã được mở rộng tới độ tuổi trẻ em từ 12-15 tuổi, thay vì chỉ ở độ tuổi trên 16 như hiện nay. Tuy nhiên, nhóm trẻ từ 12-15 sẽ không được tiêm ngay vì Nhật Bản vẫn đang trong quá trình tiêm cho các nhân viên y tế và những người trên 65 tuổi.

Đáng chú ý, Bộ Y tế Nhật Bản cũng cho phép nới lỏng các yêu cầu bảo quản với vaccine của Pfizer. Theo đó, vaccine được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh từ 2-8 độ C trong tối đa 1 tháng sau khi lấy ra khỏi tủ đông, thay vì mức chỉ 5 ngày như quy định trước đây.

Công ty dược của Mỹ đã đề xuất cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-15 tuổi sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng với 2.260 trẻ em cho thấy vaccine của hãng có hiệu quả bảo vệ lên tới 100% với trẻ em trong độ tuổi này. Cũng trong tháng 5, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã "bật đèn xanh" cho việc sử dụng vaccine của Pfizer cho nhóm trẻ từ 12-15 tuổi. 

So với nhiều quốc gia phát triển khác thì Nhật Bản đang chậm chân hơn trong triển khai tiêm chủng, với chỉ khoảng 6% trong dân số 126 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Thủ tướng Suga Yoshihide kêu gọi đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng để đạt mục tiêu tiêm cho toàn bộ người cao tuổi trước tháng 7, khi Olympic Tokyo khai mạc. Chính phủ Nhật Bản đã đạt các thỏa thuận đặt mua lượng vaccine Pfizer đủ cho 97 triệu người và ký kết hợp đồng mua vaccine từ một số quốc gia khác như Moderna (Mỹ) và AstaZeneca (Anh/Thụy Điển).

* Cũng trong ngày 31/5, hãng dược phẩm Dr. Reddy của Ấn Độ thông báo đang đàm phán với chính phủ nước này về việc cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 Sputnik Light của Nga. Nếu được cấp phép thì vaccine Sputnik Light sẽ trở thành loại vaccine thứ 4 được lưu hành tại Ấn Độ, sau  Covishield của AstraZeneca, Covaxin của công ty dược nội địa Bharat Biotech và Sputnik-V của Nga.

Hiện Dr Reddy cũng đang thảo luận với Chính phủ Ấn Độ và các đơn vị tư nhân về việc cung ứng vaccine Sputnik V cho thị trường nước này. Dự kiến, vaccine sputnik V sẽ được lưu hành thương mại tại Ấn Độ từ giữa tháng 6 tới.

Sputnik Light là phiên bản chi phí rẻ hơn của vaccine Sputnik V và chỉ cần một liều duy nhất. Vaccine này đã chính thức được cấp phép sử dụng ở Nga ngày 6/5.

Theo Phó Thủ tướng Tatyana Golikova, Sputnik Light sẽ được đưa vào tiêm đại trà tại nước này từ tháng 1/2022 và có thể được sử dụng  cho đối tượng từ 18-60 tuổi và những người có lượng kháng thể thấp.

Giám đốc điều hành đơn vị phát triển vaccine - Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF)- ông Kirill Dmitriev nhấn mạnh với giá thành sản xuất rẻ (dự kiến thấp hơn 10 USD) và chỉ cần tiêm 1 mũi, vaccine Sputnik Light có thể giúp nhiều quốc gia  đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.

Lê Ánh (TTXVN)
Chương trình tiêm vaccine COVID-19 hình thành 'ốc đảo khỏe mạnh' tại Brazil
Chương trình tiêm vaccine COVID-19 hình thành 'ốc đảo khỏe mạnh' tại Brazil

Serrana, một thành phố tại bang Sao Paulo (Brazil) đã ghi nhận mức giảm 95% trường hợp tử vong vì COVID-19 sau khi hoàn tất chương trình tiêm vaccine dành cho gần như toàn bộ người dân trưởng thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN