Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong một thông điệp bằng video gửi đến cuộc họp chung của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Thủ tướng Suga bày tỏ sự chia sẻ những khó khăn mà người dân Nhật Bản phải trải qua khi chính phủ nước này nhiều lần áp dụng tình trạng khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, người dân đã thực sự hợp tác cùng chính quyền các cấp, triển khai hiệu quả nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như tích cực tham gia chương trình tiêm vaccine, rút ngắn thời gian kinh doanh, tăng cường làm việc từ xa, hạn chế ra ngoài…
Thủ tướng Suga cho biết Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11, sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người đăng ký. Trên cơ sở đó, chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được sử dụng như một điều kiện quan trọng để từng bước nới lỏng các hạn chế trong sinh hoạt của người dân, mở đường cho việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế xã hội như ăn uống, tổ chức sự kiện, du lịch…
Trước đó, các cơ quan chức năng của Nhật Bản đã xem xét nới lỏng các quy định chống dịch sẽ áp dụng cho các đối tượng được đánh giá có nguy cơ mắc COVID-19 thấp là những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Dự kiến, các cơ sở kinh doanh ăn uống nếu được chính quyền địa phương xác nhận đã thực hiện tốt biện pháp phòng dịch COVID-19, có thể được xem xét nới lỏng hạn chế về cung cấp đồ uống có cồn, số lượng thực khách và thời gian phục vụ.
Trong trường đại học, các câu lạc bộ ngoại khóa sẽ được phép hoạt động trở lại. Về du lịch, các gói kích cầu du lịch sẽ được triển khai, người dân đủ các điều kiện trên có thể di chuyển qua các địa phương và thực hiện các chuyến du lịch trong nước. Về tổ chức sự kiện đông người, khi đảm bảo được các quy định phòng dịch và quản lý người tham gia bằng mã QR, các sự kiện sẽ được tổ chức nhưng quy mô sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể, nhất là tại các địa phương đang áp dụng tình trạng khẩn cấp hoặc biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Tuy nhiên, trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, Chính phủ Nhật Bản tái tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp thì việc nới lỏng này sẽ phải tạm dừng, thậm chí các biện pháp phòng dịch có thể được tăng cường hơn nữa nếu cần thiết.
Cùng ngày, ông Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu Nhật Bản về COVID-19, nhận định nước này đã bước qua gần hết giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch thứ 5, tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát sao hệ thống y tế hiện đang trong tình trạng quá tải
Phát biểu trước Ủy ban sức khỏe của Hạ viện, cố vấn Omi đánh giá xu hướng giảm số ca bệnh COVID-19 là do "sự kết hợp của nhiều yếu tố", gồm tiến độ tiêm chủng, giảm lượng người tham gia giao thông, quy định ngừng bán đồ uống có cồn trong các nhà hàng và tỷ lệ cao người dân đeo khẩu trang. Tuy nhiên, ông cảnh báo việc vội vàng nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch có thể dẫn đến "làn sóng thứ sáu", đặc biệt là khi thời tiết sắp chuyển lạnh. Cố vấn Omi cũng kêu gọi chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở y tế điều trị COVID-19 tạm thời.
Với việc hệ thống y tế vẫn đang quá tải bệnh nhân COVID-19, phần lớn các địa phương của Nhật Bản sẽ vẫn áp dụng tình trạng khẩn cấp cho đến hết ngày 30/9. Dữ liệu của chính phủ cho thấy hơn 50% dân số nước này đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.