Nguyên nhân khiến Litva gia tăng căng thẳng với Trung Quốc

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, Litva đang tìm cách giữ vững cam kết quốc phòng của Washington đối với châu Âu bằng cách trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) thể hiện lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Cảng Klaipėda của Lítva. Ảnh: Wiki

Hồi cuối năm 2024, chỉ vài ngày sau khi một tàu Trung Quốc bị nghi cắt đứt hai tuyến cáp viễn thông ở biển Baltic, Litva đã trục xuất ba nhà ngoại giao Trung Quốc. Đây không phải lần đầu tiên quốc gia vùng Baltic này đối đầu với cường quốc châu Á.

Trong khi nhiều nền kinh tế lớn ở châu Âu thận trọng để tránh làm tổn hại quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Litva lại nổi lên như một "David" thách thức "Goliath". Quốc gia nhỏ bé này sẵn sàng vạch trần những rủi ro của việc phụ thuộc vào hàng hóa và đầu tư Trung Quốc.

Ông Raigirdas Boruta, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Đông Âu thuộc Đại học Vilnius, nhận định: "Đây là một chính sách táo bạo, không hoàn toàn phù hợp với các quốc gia EU khác". Mục tiêu quan trọng của chiến lược này là đảm bảo sự tập trung của Mỹ vào an ninh châu Âu.

Tuy nhiên, liệu Litva có thành công trong việc lôi kéo Trump và thuyết phục các thành viên EU khác đi theo hướng này?

Từ những cảnh báo về an ninh đến cuộc đối đầu toàn diện với Bắc Kinh

Litva đã trở thành mục tiêu của Trung Quốc từ nhiều năm nay, có lẽ từ năm 2013 khi nước này tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma và bày tỏ sự ủng hộ đối với Tây Tạng. Tuy nhiên, quan hệ song phương vẫn tương đối ổn định, và kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng.

Mọi chuyện thay đổi vào năm 2019 khi Vilnius bắt đầu lo ngại rằng sự phát triển kinh tế của mình có thể phải đánh đổi bằng an ninh quốc gia. Chính phủ Litva cảnh giác trước các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cảng biển duy nhất của nước này, Klaipėda.

Khi Bắc Kinh thâu tóm nhiều cảng chiến lược ở châu Âu, từ Đức, Bỉ đến Italy và Hy Lạp, Litva lại từ chối lời đề nghị đầu tư của Trung Quốc, với lo ngại rằng điều đó sẽ mang lại lợi thế cho một đồng minh của Moskva.

"Khi khủng hoảng xảy ra, chẳng hạn một cuộc chiến với Nga, Trung Quốc có thể gây khó khăn cho việc tiếp nhận hàng hóa quân sự, trang thiết bị và viện trợ", Bộ trưởng Quốc phòng Litva khi đó, Raimundas Karoblis, tuyên bố.

Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất diễn ra vào tháng 7/2021, khi Litva cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Vilnius. Động thái này bị Bắc Kinh coi là thách thức đối với tuyên bố chủ quyền của mình. Đáp lại, Trung Quốc triệu hồi đại sứ, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva và áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Bắc Kinh loại bỏ Litva khỏi danh sách hải quan, trì hoãn hoặc từ chối tiếp nhận hàng hóa Litva, thậm chí còn cấm nhập khẩu các sản phẩm có linh kiện từ nước này. Theo giáo sư Tomas Janeliunas tại Đại học Vilnius, xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc đã giảm 80% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2022 so với cùng kỳ năm trước.

EU phản ứng ra sao?

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Brussels nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Litva. Liên minh châu Âu (EU) đệ đơn kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì các biện pháp cưỡng ép kinh tế, đồng thời triển khai cơ chế kiểm soát đầu tư nước ngoài trên toàn khối. Ngoài ra, EU còn thông qua công cụ chống cưỡng ép kinh tế, cho phép áp thuế hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt để đối phó với các hành vi gây sức ép từ các nước bên ngoài.

Tuy nhiên, EU vẫn chưa sẵn sàng đối đầu toàn diện với Trung Quốc. "Thật khó để một quốc gia EU nào đó đi theo con đường của Lítva, nếu xét đến mức độ ràng buộc kinh tế", ông Boruta nhận xét. Theo ông, Litva có rất ít quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng các nước EU khác thì không.

Thực tế, EU và Trung Quốc có kim ngạch thương mại lên đến 762 tỷ USD trong năm 2023. Dù phải đối mặt với các biện pháp cưỡng ép kinh tế, EU vẫn chưa có nhiều động thái mạnh mẽ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Theo một báo cáo của Rhodium Group, tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU đã tăng từ 22% năm 2017 lên gần 27% vào năm 2022, trước khi giảm nhẹ xuống 25% vào năm 2023. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng sự đa dạng hóa có thể tăng tốc khi dòng vốn đầu tư tiếp tục chảy vào ASEAN và các nền kinh tế thay thế Trung Quốc.

EU hiện đang đối mặt với một tình huống tiến thoái lưỡng nan: liệu lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc có làm hài lòng Tổng thống Trump hay không?

Trong khi Brussels đang cân nhắc, Bắc Kinh đã chủ động xoa dịu tình hình. Trong cuộc điện đàm gần đây với Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng EU không phải là đối thủ của Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh và Brussels "không có mâu thuẫn lợi ích hay xung đột địa chính trị mang tính căn bản", đồng thời mong muốn duy trì hợp tác kinh tế.

Mặc dù vậy, ngay tại Litva, một số ý kiến bắt đầu bày tỏ lo ngại về chiến lược đi một mình của nước này. Một số chính trị gia kêu gọi nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc để tránh bị cô lập.

Dẫu vậy, Vilnius vẫn đặt cược rằng chính sách cứng rắn của mình sẽ mang lại lợi ích trong dài hạn. Nhưng liệu Tổng thống Trump có coi đây là hành động đáng khen ngợi và đáp lại bằng những đảm bảo an ninh cho Litva hay không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Lítva nhận lô ngũ cốc đầu tiên từ Ukraine vận chuyển bằng đường sắt
Lítva nhận lô ngũ cốc đầu tiên từ Ukraine vận chuyển bằng đường sắt

Công ty đường sắt nhà nước LTG của Lítva ngày 24/5 cho biết nước này đã nhận lô ngũ cốc đầu tiên của Ukraine được vận chuyển bằng đường sắt từ cảng Klaipeda.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN