Cô Darling Molina cố gắng vượt qua những con sóng nhân tạo để chờ ngày bơi qua sông Rio Grande vượt biên vào Mỹ trái phép. "Chúng tôi sắp sửa trải qua một hành trình quan trọng. Tôi và con gái (16 tuổi) đều không biết bơi", người mẹ 38 tuổi chia sẻ với hãng thông tấn AFP. Các buổi rèn luyện trước những tình huống có thể xảy ra trên sông đã tiếp thêm sức mạnh cho cô.
Cô Molina và con gái có kế hoạch di chuyển bằng đường bộ qua Honduras và Guatemala đến Mexico, sau đó bơi vài chục mét qua sông Rio Grande để đến đất Mỹ. Tổng cộng, đó là một cuộc hành trình dài hơn 3.000 km đến Mỹ, đầy rẫy nguy hiểm.
Kể từ khi các cuộc biểu tình hàng loạt phản đối chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega nổ ra năm 2018, Nicaragua đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ hơn nữa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Khi chính phủ xử phạt những người chống đối và chưa thể giải quyết tỷ lệ đói nghèo lên đến 30%, số lượng người Nicaragua muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài tiếp tục tăng lên. Theo cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, gần 112.000 người Nicaragua đã bị bắt giữ tại biên giới trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm ngoái đến tháng 2 năm nay. Riêng trong tháng 2/2022, con số này là 13.295 - tăng từ 706 người ở tháng 2/2021.
Molina là một trong khoảng 20 người tham gia lớp học miễn phí do huấn luyện viên bơi lội Mario Venerio mở vào thứ 6 hàng tuần. Ông Venerio đã quảng cáo về lớp học qua cáo qua đài phát thanh và mạng xã hội sau khi biết tin 4 phụ nữ nước này đã chết đuối ở Rio Bravo vào tháng Ba vừa qua. Khóa học cũng hướng dẫn cả các kỹ năng sinh tồn cơ bản và sơ cứu.
"Với khóa học này, nếu có vấn đề gì xảy ra, bạn vẫn có thể sống sót và giúp đỡ những người khác”, ông Venerio nói. Hầu hết học viên của ông đều là những bà mẹ đơn thân, thất nghiệp hoặc có mức lương không đủ ăn.
Cô Darling Molina cho biết: “Tôi ước mơ được làm việc ở Mỹ, tiết kiệm một số tiền rồi quay về quê hương để kinh doanh”.
Hay như cô Martha Martinez, 42 tuổi, người chuẩn bị “thử vận may ở Mỹ” cho biết: “Việc học bơi đã giúp tôi vơi đi rất nhiều nỗi sợ hãi”. Cô nói với AFP rằng những kẻ buôn lậu tính phí ít nhất 5.000 USD mỗi người, và đôi khi lên tới 14.000 USD, để đưa người qua biên giới Mỹ.
Những người di cư sẽ huy động tiền bằng cách vay ngân hàng hoặc bán nhà. Từ Nicaragua, họ lên xe buýt đến Guatemala, nơi gặp gỡ những kẻ buôn lậu theo lời quảng cáo trên mạng xã hội. Tại đây, những người di cư được giấu trong thùng xe tải hoặc các phương tiện khác và được đưa đến Mexico.
Những người di cư sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro, từ sự ngược đãi của những kẻ buôn lậu cho đến các vụ hành hung và thậm chí bắt cóc bởi các băng nhóm tội phạm.
Đối với Wilmer Sanchez, 36 tuổi, người đang học bơi ở lớp của ông Venerio, chướng ngại vật lớn nhất trong hành trình đạt được “giấc mơ Mỹ” chính là con sông Rio Grande. "Tôi cảm thấy sợ vì nhiều người đã chết đuối", ông nói với AFP.
Về phần mình, kỹ sư xây dựng Bertha Calderon, 32 tuổi, cho biết cô sẽ đưa con rời Nicaragua vì mọi thứ đều đắt đỏ, trong khi công việc rất tạm bợ.
Cô tâm sự: “Tôi đã chứng kiến những người quen còn sống ra đi nhưng khi trở về thì chỉ còn là cái xác. Điều này khiến tôi buồn và sợ hãi. Cảm xúc rất lẫn lộn nhưng chúng tôi vẫn muốn theo đuổi giấc mơ của mình”.
Ở những nơi khác tại thành phố Esteli, gia đình cô Neyli Rizo, một nạn nhân chết đuối khi vượt qua sông Rio Grande, vừa mới nhận được thi thể của cô. Người phụ nữ trẻ này đã lên đường vào tháng trước với mong muốn đoàn tụ với chồng tại Mỹ, song không thành công. Người chồng không thể về quê dự đám tang mà chỉ gửi những bó hoa trắng.
Gia đình của cô Gabriela Espinoza, người đã rời Nicaragua vào tháng 2, cũng đang chịu nỗi mất mát tương tự. Cô gái 32 tuổi này đã trả thêm cho những kẻ buôn lậu người hơn 6.000 USD để được ngồi thuyền qua sông. Nhưng chúng đã bỏ rơi cô.
Một ngư dân đã kéo Espinoza lên khỏi mặt nước và cố gắng hồi sức cho cô nhưng không thành công. Hiện gia đình Espinoza cần quyên góp hơn 5.000 USD để đưa thi thể cô hồi hương.