Khi Nicole Flecchia mắc COVID-19 vào tháng 1/2021, cô cho rằng các triệu chứng sẽ kéo dài một vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng đến tháng 4/2022, các triệu chứng không hề thực sự biến mất. Trong trường hợp của cô là ho khan, mệt mỏi và sương mù não.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết cô gái 26 tuổi Nicole Flecchia nằm trong nhóm hàng triệu người Mỹ mắc hội chứng COVID kéo dài.
Theo Viện Y học thể chất và Phục hồi Chức năng Mỹ, có 79,17 triệu người Mỹ từng mắc COVID-19 đã phục hồi với 30%-tương đương 23,75 triệu trường hợp đang phải đối mặt với một cấp độ nào đó di chứng hậu COVID-19.
Các triệu chứng điển hình bao gồm đau đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, thở khó và sương mù não. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc của họ. Do vậy, có thể thấy virus SARS-CoV-2 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cả tài chính của người nhiễm.
Một ví dụ là chương trình sinh viên của Flecchia yêu cầu cô phải làm việc 20 giờ/tuần trong năm học và 40 giờ/tuần trong mùa Hè. Nhưng khi mắc hội chứng COVID kéo dài, cô chỉ có thể làm việc trong 1-2 tiếng mỗi lần. Cô đang sống dựa trên tiền tiết kiệm trong khi chờ đợi các triệu chứng thuyên giảm.
Bà Diana Berrent, nhà thành lập Survivor Corps (Mỹ)-phong trào cấp cơ sở lớn nhất thế giới về COVID với 200.000 thành viên-nhận định: “Mọi người nhận ra rằng điều này không chỉ gây kiệt quệ về sức khỏe mà còn phá hoại bạn về mặt tài chính”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chú ý đến khủng hoảng y tế này và trong tháng 4 cho biết sẽ phát triển kế hoạch cấp quốc gia để mở rộng nghiên cứu, chăm sóc cho những người Mỹ rơi vào tình trạng suy nhược vì COVID-19.
Tại Mỹ, các vấn đề sức khỏe kéo dài sẽ được giải quyết bởi bảo hiểm khuyết tật doanh nghiệp trong đó chi trả một số phần trăm trong thu nhập của người lao động khi khả năng làm việc của họ bị ảnh hưởng.
Nhưng COVID kéo dài là một hiện tượng mới với 200 triệu chứng và vẫn chưa được hiểu rõ nguyên nhân do vậy những người mắc thường gặp nhiều khó khăn trong xử lý với các công ty bảo hiểm và cơ quan chính phủ.
Quay trở lại với Nicole Flecchia, cử nhân Đại học Rhode Island này vẫn bị hụt hơi trong các hoạt động thường nhật như trèo cầu thang nhưng cô chia sẻ: “Tôi cố gắng lạc quan bởi đó là điều duy nhất tôi có thể làm. Tôi phải hy vọng rằng mình sẽ khỏe hơn và có thể làm việc trở lại”.