Chất lượng không khí tại Jakarta đã giảm mạnh trong tháng qua và có những thời điểm rơi vào tình trạng tồi tệ hơn cả các thành phố như Delhi (Ấn Độ) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Jakarta đã đồng loạt đăng ảnh thủ đô chìm trong sương mù kèm theo từ khóa #SetorFotoPolusi.
Ngày 25/6, Jakarta ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 240 trong khi đó nếu đem so sánh thì AQI của London (Anh) là 12 và San Francisco (Mỹ) là 26.
Tình trạng nghẹt thở vì không khí ô nhiễm khiến nhiều nhà môi trường học, nghệ sĩ, doanh nhân, công chức… tại thủ đô Jakarta vừa cùng hợp lực đệ đơn kiện chính phủ Indonesia.
Đơn kiện nêu tên Tổng thống Indonesia, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Môi trường và chính quyền Jakarta, Banten cùng Tây Java.
Luật sư Ayu Eza Tiara tại Viện Tư pháp Jakarta, nơi giải quyết vụ việc, đánh giá: “Hy vọng đơn kiện này sẽ khiến chính phủ cải cách những chính sách hiện hành và có hành động hiệu quả để giải quyết ô nhiễm không khí. Chính sách hiện hành không hiệu quả".
Theo thống kê của tổ chức về chất lượng không khí có trụ sở tại Thụy Sĩ là IQAirVisual, trong tháng 6 Jakarta đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới đến hơn nửa thời gian.
Tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace cho biết năm 2018 Jakarta được coi là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Theo Greenpeace, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngành công nghiệp nặng, việc đốt rác thải và các nhà máy năng lượng than đá… tại Jakarta.
Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan trong khi đó nhận định vấn đề bắt nguồn từ số lượng đông đảo xe cộ trên đường. Tuy nhiên Greenpeace lại không đồng tình với ông Anies Baswedan kèm theo luận điểm rằng mặc dù trong năm 2018 tình trạng giao thông tại Jakarta được cải thiện nhưng chất lượng không khí lại càng tồi tệ hơn.