Thị trường carbon của châu Âu buộc các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải mua giấy phép phát thải CO2. Kể từ năm 2005, các lĩnh vực này đã giảm được 43% lượng khí thải, nhưng dự kiến sẽ phải thực hiện chương trình cải cách để đạt được nhiều hơn các mục tiêu đầy tham vọng của EU về chống biến đổi khí hậu.
Với đa số phiếu nhất trí, EP đã thông qua thỏa thuận đạt được với các nhà đàm phán của các thành viên EU vào năm ngoái, nhằm cải cách thị trường carbon để lượng khí thải vào năm 2030 giảm 62% so với mức của năm 2005.
Theo quy định mới, đến năm 2034, các nhà máy sẽ không được cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí như hiện nay, và khí thải của ngành vận tải sẽ được bổ sung vào thị trường CO2 từ năm 2024.
Các nhà lập pháp EP cũng ủng hộ kế hoạch từ năm 2026 từng bước áp thuế nhập khẩu các loại hàng hóa thải nhiều khí carbon gồm sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydro. Loại thuế này, lần đầu tiên được áp đặt trên thế giới, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp của EU trước sự cạnh tranh của những công ty nước ngoài gây ô nhiễm hơn, cũng như hạn chế các công ty EU chuyển đến những khu vực có quy định môi trường lỏng lẻo.
Các nghị sĩ EP cũng ủng hộ kế hoạch ra mắt thị trường carbon mới của EU có tính đến khí thải từ nhiên liệu được sử dụng trong ô tô và các tòa nhà vào năm 2027, cùng với một quỹ của EU có trị giá 86,7 tỷ euro để hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng do chi phí tăng. Trong vài tuần tới, các nước thành viên EU dự kiến thông qua lần cuối gói biện pháp trên.
Những năm gần đây, giá giấy phép phát thải carbon của EU đã tăng vọt trước khả năng EU sẽ tiến hành nhiều cải cách. Điều này khiến những công ty gây ô nhiễm phải trả chi phí nhiều hơn, nhưng giúp huy động hàng tỷ euro cho chính phủ các nước EU để đầu tư vào các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Ngày 18/4, giấy phép phát thải carbon của EU được giao dịch ở mức khoảng 94 euro/tấn, tăng gần gấp 4 lần về giá trị kể từ đầu năm 2020. Giá loại giấy phép này lần đầu tiên đạt mức 100 euro/ tấn vào tháng 2 vừa qua.