Các dự án được chọn đại diện cho các lĩnh vực khác nhau, như: Năng lượng tái tạo, sử dụng tài nguyên/năng lượng hiệu quả, vận tải điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), phi carbon hóa trong ngành xây dựng, kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải. Các dự án này có tiềm năng mang lại lợi ích cho cộng đồng tại Việt Nam.
Để nâng cao năng lực của dự án, thu hút đầu tư từ Việt Nam và quốc tế, các dự án sẽ nhận được những hình thức hỗ trợ năng lực chung và riêng phù hợp cho từng dự án từ chương trình CFA.
Các chuyên gia của CFA sẽ làm việc với các tác giả dự án và đưa ra lời khuyên về khía cạnh kỹ thuật, mô hình tài chính, tài liệu sử dụng để kêu gọi đầu tư, cũng như cải thiện các vấn đề bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI).
Chương trình CFA là một trong những nỗ lực của Chính phủ Vương quốc Anh nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) ở Glasgow, Vương quốc Anh vào năm 2021; đồng thời hỗ trợ triển khai Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng Việt Nam (V-JETP) được thỏa thuận vào tháng 12/2022.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew cho biết: Các dự án thú vị và sáng tạo được chọn tham gia CFA Việt Nam cho thấy tiềm năng của khu vực tư nhân Việt Nam trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu. Kiến thức chuyên môn được chia sẻ với các dự án này giúp tiến gần hơn đến việc tìm kiếm nhà đầu tư, từ đó sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon ở cộng đồng trên toàn quốc.
Theo đó, các dự án đầu tiên tham gia chương trình CFA Việt Nam bao gồm: Blue Planet Environmental Solutions - sản xuất khí sinh học từ rơm thông qua hệ thống ủ khô; Control & Automation Solutions (CAS) - cung cấp các giải pháp tự động hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp với hai dự án nông nghiệp thông minh tham gia CFA Việt Nam; Dat Bike - hướng đến sản xuất xe mô tô điện hiện đại, công nghệ cao cho thị trường đại chúng và phát triển cơ sở hạ tầng các trạm sạc pin bằng năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó là dự án Deep C Green nhằm tìm cách mở rộng việc lắp đặt và vận hành các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của những đơn vị thuê địa điểm trong khu công nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm lượng khí thải carbon; Egreen Technology JSC với hệ thống máy phát điện chạy bằng khí sinh học, giúp các trang trại cắt giảm lượng khí thải khí sinh học và chi phí điện năng.
Tham dự chương trình còn có Công ty cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình với dự án thành lập thêm đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và kinh doanh chất thải, sản phẩm sau tái chế. Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 với dự án tập trung xử lý, tái sử dụng tro bay từ nhiệt điện than để sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC) và các loại gạch không nung khác thay thế gạch đất sét nung truyền thống, góp phần vào công cuộc phi carbon hóa ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Vật liệu bền vững Việt Nam với dự án hợp tác cùng đối tác lâm nghiệp triển khai biện pháp canh tác bền vững nhằm tăng giá trị kinh tế của chuỗi giá trị tre ở Tây Nguyên; VRB Energy với dự án mở rộng thị trường pin Vanadium được lưu trữ bằng cách sử dụng chất lỏng để lưu trữ năng lượng pin, tích hợp quy mô lớn, từ đó thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.