Đề xuất "Chính sách Tăng trưởng xanh mới về nhà ở xã hội" nhằm loại bỏ khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính khỏi khoảng 1 triệu nhà ở xã hội của Mỹ trong khoảng một thập kỷ tới. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân chủ cho cuộc đua vào Nhà Trắng, là một trong những người bảo trợ kế hoạch này.
Theo Thượng nghị sĩ Sanders, kế hoạch trên sẽ giúp nâng cấp và trang bị thêm các tấm pin Mặt Trời cùng các nguồn năng lượng tái tạo cho mỗi căn nhà. Ông cho biết khoản đầu tư lên tới 180 tỷ USD cho kế hoạch này sẽ giúp giảm 97 triệu USD (tương đương 30%) chi phí nhà ở xã hội tại Mỹ mỗi năm, cũng như giảm chi phí năng lượng khoảng 613 triệu USD (khoảng 70%) và tạo ra 250.000 việc làm mỗi năm. Ông Sanders khẳng định kế hoạch này sẽ giúp tiết kiệm tiền cho các cơ quan phụ trách vấn đề nhà ở xã hội.
Số liệu thống kê của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cho thấy các tòa nhà dân cư và thương mại đóng góp khoảng 12% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại nước này. Đầu năm nay, thành phố New York đã áp dụng một số biện pháp bắt buộc yêu cầu các tòa nhà cao tầng và quy mô lớn phải giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 từ mức ghi nhận hồi năm 2005.
Kế hoạch đầy tham vọng trên dựa trên Chính sách Tăng trưởng xanh mới do Quốc hội Mỹ đưa ra vào đầu năm nay nhằm kêu gọi xây dựng kế hoạch 10 năm của chính phủ về thúc đẩy năng lượng sạch và hướng nước Mỹ đạt tới ngưỡng trung tính về carbon vào năm 2030.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích kế hoạch này là tốn kém và phi lý. Kế hoạch cũng gặp phải sự phản đối từ các nghị sĩ Dân chủ phái ôn hòa, những người đã đề xuất một kế hoạch chống biến đổi khí hậu nhằm giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0% vào năm 2050 thay vì năm 2030.