Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm tại thủ đô Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Hiệp định Paris, nhấn mạnh đây là tiến trình không thể đảo ngược và là kim chỉ nam để các nước hành động mạnh mẽ trong vấn đề khí hậu.
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trình thư lên Liên hợp quốc (LHQ) thông báo chính thức khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp định Paris vì gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ do các cam kết mà Mỹ đưa ra”.
Theo đó, Mỹ sẽ chính thức rút khỏi hiệp định này vào ngày 4/11/2020, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống.
Quyết định này đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.
Cùng ngày, một quan chức chính quyền Trung Quốc cho biết trong khuôn khổ chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Pháp Macron, hai nước đã ký nhiều hợp đồng có tổng trị giá 15 tỷ USD. Các hợp đồng này liên quan đến các lĩnh vực hàng không, năng lượng và nông nghiệp, trong đó có việc phê chuẩn 20 công ty Pháp xuất khẩu thịt lợn, thịt bò và thịt gia cầm sang Trung Quốc.
Ngày 4/11 vừa qua, Tổng thống Macron đã tới Bắc Kinh thăm chính thức Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực. Đây là chuyến thăm thứ hai tới Bắc Kinh của ông Macron trên cương vị nhà lãnh đạo Pháp.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, trao đổi thương mại giữa Pháp và Trung Quốc đã ở mức 62,9 tỷ USD năm 2018, tăng 15,5% so với năm 2017. Trong hai tháng đầu năm 2019, thương mại song phương giữa Pháp và Trung Quốc đã đạt 10,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Pháp hiện đứng thứ tư trong EU về đầu tư vào Trung Quốc và đứng thứ ba trong khối về thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Tính đến hết tháng 1/2019, tổng đầu tư giữa hai nước đạt hơn 40 tỷ USD.