Phát biểu với báo giới tại Moskva, quan chức ngoại giao Nga khẳng định Mỹ vẫn chưa cung cấp được bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ Moskva vi phạm INF.
Bà xác nhận Đại sứ quán Mỹ tại Nga đã chuyển một công hàm vào tối hôm 4/12, trong đó cho biết Mỹ sẽ đình chỉ việc thực thi các nghĩa vụ của mình theo INF sau 60 ngày, nếu Nga không tuân thủ các điều kiện đã đặt ra.
Trước đó, trong phản ứng đầu tiên, bà Zakharova đã tuyên bố Moskva vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong INF và Washington biết rõ điều này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, Yuri Shvytkin nhấn mạnh Moskva chưa bao giờ rút khỏi INF, song nếu Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận sẽ phá hủy sự ổn định tại châu Âu, còn các nước trong khu vực sẽ trở thành "con tin của chính sách vô trách nhiệm của Mỹ".
Theo ông Shvytkin, chính Mỹ là bên vi phạm, và nếu Washington quyết định rút khỏi INF thì buộc Moskva đáp trả bằng các biện pháp thích ứng nhằm duy trì cân bằng lực lượng.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.