Phát biểu họp báo sau hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẵn sàng khởi động tiến trình hủy bỏ INF vì Moskva đã vi phạm hiệp ước này.
Ông nhấn mạnh: "Xét tới thực tế ngày hôm nay, Mỹ tuyên bố Nga vi phạm hiệp ước và trong vòng 60 ngày chúng tôi sẽ chấm dứt nghĩa vụ của mình như một biện pháp khắc phục trừ khi Nga trở lại tuân thủ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng".
Theo Ngoại trưởng Pompeo, Nga đã phát triển "nhiều tiểu đoàn tên lửa SSC-8", hay còn được biết đến là tên lửa hành trình tầm trung với tên gọi Novator 9M729. Ông khẳng định, "tầm bắn của tên lửa khiến chúng trở thành một mối đe dọa trực tiếp với châu Âu".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định Washington “tuân thủ luật lệ” và các cam kết quốc tế của nước này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Moskva hoàn toàn tuân thủ hiệp ước và Washington biết rõ điều đó.
Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ươc Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố ủng hộ những cáo buộc của Mỹ đối với Nga, chính thức cáo buộc Moskva vi phạm INF, một hiệp ước loại bỏ khỏi châu Âu các tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất.
Sau hội nghị ngoại trưởng NATO, ngoại trưởng các nước thuộc khối này đã ra tuyên bố nêu rõ: "Các đồng minh kết luận rằng Nga đã phát triển và triển khai một hệ thống tên lửa mang tên 9M729, vi phạm Hiệp ước INF và tạo ra nguy cơ đáng kể cho an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ những kết luận của Mỹ rằng Nga đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước INF".
Việc Chính quyền Tổng thống Trump chủ trương rút khỏi INF không chỉ vấp phải sự chỉ trích của Nga, mà còn đối mặt với sự phản đối của nhiều nghị sĩ Mỹ. Ngày 3/12, một nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư ngỏ thuyết phục Tổng thống Trump không rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Bức thư trên vừa được lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ công bố ngày 3/12.
Trong thư, các Thượng nghị sĩ Bob Mendez, Jack Reed và Mark Warner nêu rõ việc chính quyền Mỹ đột nhiên thông báo ý định quyết định rút khỏi INF "cho thấy Mỹ sẵn sàng đơn phương xé bỏ cam kết mà không có sự thay thế chiến lược nào". Các nghị sĩ lo ngại điều này có thể cho phép Nga mở rộng việc sản xuất và triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung, như loại 9M729, qua đó tác động tới an ninh châu Âu.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng thuyết phục Tổng thống Trump và chính quyền thảo luận với Quốc hội về hậu quả của bước đi này nhằm giữ vững ổn định chiến lược cũng như đảm bảo duy trì quan hệ của Washington với các đồng minh ở châu Âu và châu Á trước khi rút khỏi hoặc đình chỉ việc thực hiện nghĩa vụ của mình theo INF.
Hồi tháng trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố ý định rút Washington khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong văn kiện này. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).