Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti, Alexey Polishchuk, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, đã gọi đề xuất này là "tối hậu thư" và khẳng định kế hoạch chiến thắng của phía Ukraine không có tính thực tiễn. Ông Polishchuk nhấn mạnh rằng những quốc gia thân thiện với Nga cần tránh xa những sáng kiến mà Ukraine đưa ra nhằm kéo dài và leo thang xung đột.
Theo ông Polishchuk, “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Zelensky không có khả năng mang lại chiến thắng như tên gọi. “Kế hoạch của Tổng thống Zelensky không có kế hoạch hay chiến thắng. Cũng giống như trong 'công thức hòa bình' của ông Zelensky không có hòa bình hay công thức thực sự", ông Polishchuk phát biểu. Ông cũng lưu ý thêm rằng hội nghị thượng đỉnh hòa bình gần đây do Ukraine tổ chức tại Bürgenstock (Thuỵ Sĩ) là vô ích vì không mang lại giải pháp cụ thể nào cho cuộc xung đột.
Ngoài ra, ông Polishchuk cũng nhận định rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ không có tác động lớn đến xung đột hiện tại ở Ukraine. Theo ông, việc kết thúc xung đột vào năm 2025 sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào việc Nga có hoàn thành các mục tiêu của mình trong chiến dịch quân sự hay không.
Tổng thống Zelensky mới đây đã trình bày “kế hoạch chiến thắng” với năm điểm chính cùng ba yếu tố bổ sung bí mật. Trong số các điểm công khai, có những đề xuất gây tranh cãi như việc Ukraine ngay lập tức được mời gia nhập NATO và dỡ bỏ mọi hạn chế trong việc sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Cùng với đó, nhà lãnh đạo Ukraine đề xuất triển khai các hệ thống răn đe phi hạt nhân tại Ukraine để đảm bảo an ninh trước các mối đe dọa từ Nga, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc tấn công và giao tranh vẫn tiếp diễn.
Thậm chí ông Zelensky còn đề xuất rằng một số đơn vị lính Mỹ tại châu Âu sẽ được thay thế bằng quân đội Ukraine sau khi cuộc xung đột kết thúc, như một biện pháp nhằm giảm tải cho NATO và Washington.
Mặc dù Ukraine hy vọng kế hoạch này sẽ nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh phương Tây, thực tế cho thấy không phải tất cả các quốc gia đều đồng tình. Mỹ và một số nước châu Âu vẫn đang cân nhắc và tỏ ra dè dặt trước các đề xuất của Tổng thống Zelensky, đặc biệt là đề xuất về việc Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức. Những quốc gia như Đức thậm chí đã phản đối cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.