Trưởng đại diện IMF tại Ấn Độ Ranil Salgdo ngày 8/8 nhận định Ấn Độ sẽ là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ cải cách cơ cấu đang diễn ra.
Bên cạnh đó, ông Salgado nhấn mạnh: “Còn 3 thập niên nữa Ấn Độ mới rơi vào tình trạng dân số trong độ tuổi lao động giảm. Đó là quãng thời gian dài. Vì vậy đây là cửa sổ cơ hội của Ấn Độ tại châu Á… Chỉ một vài quốc gia châu Á khác sở hữu điều này”.
Nền kinh tế hiện đứng thứ 6 thế giới dự kiến sẽ tăng 7,3% trong năm tài khóa 2018 kết thúc vào tháng 3/2019. Kênh RT (Nga) cho biết trong năm 2019, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,5%.
Tuy nhiên, IMF cũng đề xuất chính phủ Ấn Độ hành động để kiềm chế lạm phát và tăng lực lượng lao động nữ. Bên cạnh đó, IMF cũng lo ngại về rủi ro liên quan tới giá nhiên liệu cao và đồng tiền nội địa của Ấn Độ giảm giá trị.
Trong năm 2018, đồng rupee đã giảm 7% so với đồng USD dấy lên lo ngại về lạm phát. Trong tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã giảm tỷ lệ lãi suất lần thứ hai liên tiếp trong bối cảnh các nhà làm luật quốc gia này đang tìm cách duy trì ổn định kinh tế trước tình trạng căng thẳng thương mại toàn cầu và giá dầu cao.
Năm 2017, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã thực thi nhiều cải cách, trong đó, IMF đánh giá cao nội dung liên quan đến hàng hóa toàn quốc và thuế dịch vụ để thay thế cho hàng chục loại thuế tiểu bang và quốc gia từng tồn tại ở Ấn Độ.
IMF cũng khuyến nghị Ấn Độ cải cách hệ thống thuế và nới lỏng điều lệ về đầu tư trực tiếp nước ngoài bởi điều này có thể tạo ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.