Theo Bộ trưởng Năng lượng Quốc gia Nam Sudan Ezekiel Gatkuoth, hiện có hai ống dẫn dầu vận chuyển khoảng 175.000 thùng mỗi ngày tới một cảng biển ở Sudan.
Sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lực lượng vũ trang phế truất, Sudan trong giai đoạn chuyển tiếp vẫn còn tương đối hỗn loạn khi quân đội tiếp tục tranh cãi ai sẽ điều hành đất nước.
“Tình hình tại Sudan hiện giờ khiến chúng tôi lo ngại”, Bộ trưởng Gatkuoth trả lời phỏng vấn báo Bloomberg tại Johannesburg. Tổng thống Nam Sudan đã cử ông tới gặp các quan chức để “đảm bảo cảng biển tại Sudan – nơi trung chuyển dầu của Nam Sudan ra thị thường thế giới – được an toàn”. Vận chuyển hóa chất sử dụng cho sản xuất cũng có khả năng bị gián đoạn.
Dòng chảy dầu mỏ tới cảng Sudan trên Biển Đỏ là chìa khóa cho nền kinh tế hai quốc gia. Nam Sudan phụ thuộc vào dầu mỏ để lấy ngoại tệ, trong khi Sudan hưởng lợi từ phí vận chuyển. Nam Sudan phải trả thêm phí vận chuyển cho quốc gia láng giềng là 9 USD/thùng dầu bên cạnh một thỏa thuận tài chính truyền thống khác là 15 USD/thùng.
Bộ trưởng Gatkuoth cho biết Nam Sudan có mục tiêu sản xuất 200.000 thùng/ngày vào cuối năm 2019, tăng 14% so với sản lượng hiện tại. Quốc gia này được đánh giá có khả năng sản xuất 350.000 thùng/ngày vào năm 2020, đạt lại mức trước khi cuộc nội chiến bắt đầu.
Nam Sudan cũng xem xét việc nộp đơn xin trở thành thành viên chính thức của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) một khi thấy phù hợp.