Theo phóng viên của kênh truyền hình SBS News, ít nhất 400.000 người sống trong 7 trại tị nạn ở vùng quê kém phát triển Gambela, 2/3 số đó là trẻ em Nam Sudan. Cứ 10 em thì có 1 em mồ côi do cha mẹ thiệt mạng trong cuộc nội chiến tàn khốc bùng phát từ tháng 12/2014.
Bi kịch mất mát khiến những đứa trẻ phải nương tựa vào nhau ở nơi đất khách quê người.
Hai người bạn thân Nyaduel Geil và Nyamuoch Pal (14 tuổi) cùng nhau tới trại Jewi 5 năm trước. Cả hai thiếu niên này đều bị mất liên lạc với bố mẹ khi xung đột quê nhà leo thang.
“Bố mẹ cháu không còn nữa. Cháu không nghĩ họ còn sống và cháu cũng không muốn nghĩ về họ vì điều đó chỉ khiến cháu nhớ về những chuyện tồi tệ. Những người chăm sóc cháu tại đây, cũng là người tị nạn. Mỗi lần họ giận dữ, họ lại xúc phạm cháu. Cháu chỉ cảm thấy không muốn sống nữa. Nhưng cháu thường giữ im lặng”, Nyaduel chia sẻ câu chuyện bằng tiếng địa phương.
Theo ghi nhận của phóng viên SBS News, điều kiện sinh sống tại các trại tị nạn ở Ethiopia cực kỳ thiếu thốn. Nơi đó không có đủ bác sĩ, giáo viên. Chỉ một nửa trong số những người tới xin tị nạn có chỗ ở tử tế. Số lương thực lúc nào cũng thiếu hụt so với chỉ tiêu hàng ngày, nguồn nước cũng không đủ. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn mà người tị nạn nơi này phải đối mặt là không có quần áo mặc.
Tuy nhiên, mặc dù khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng dòng người tị nạn từ Nam Sudan, đặc biệt là trẻ mồ côi, đổ vào Ethiopia không có dấu hiệu giảm.
“Một trong những vấn đề lớn nhất là những đứa trẻ tự vượt qua biên giới một mình, nên chúng cũng phải sống ở đây một mình. Là một nhân viên thuộc Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tôi có trách nhiệm giúp những đứa trẻ đó đối mặt với những ký ức không đẹp đẽ tại Nam Sudan”, Maria Dombaxi – nhân viên cơ quan cứu trợ thuộc UNHCR – bày tỏ.
Một vài đứa trẻ thể hiện rằng mình có thể vượt qua chuyện đau buồn trong quá khứ và thích nghi với đời sống hiện tại.
Chân trần tham gia một trận bóng tại sân chơi, Tut Pal Hoth (11 tuổi) kể đã làm quen được với rất nhiều bạn mới tại trại Kule. Em kể em có được sức mạnh như ngày hôm nay là nhờ gia đình nhận nuôi.
“Cháu cảm thấy hạnh phúc khi ở bên mẹ nuôi vì chúng cháu luôn được chơi cùng con đẻ của mẹ. Mẹ nuôi đối xử với chúng cháu như con ruột vậy. Thậm chí có lần cháu đánh nhau với các bạn, mẹ không hề la mắng, dù đó là lỗi của cháu”, Tut Pal Hoth tâm sự.
Tut cho biết trong tương lai cậu muốn trở thành một phi công, vì phi công “kiếm được nhiều tiền”.
Nói về ước mơ trong tương lai, thiếu nữ Nyduel bày tỏ mong ước muốn giúp đỡ những đứa trẻ giống mình.
“Một ngày nào đó, cháu muốn đi và đem tất cả những đứa trẻ mồ côi, những người mất đi cha mẹ, vì cháu biết các bạn luôn nghĩ về cha mẹ, và cháu muốn cho các bạn lời khuyên. Khi cháu học xong, cháu muốn giúp đỡ những người khác trong trại”.