Sau khi được cho uống thuốc, cậu bé thiếp vào giấc ngủ nhanh chóng, người không mặc quần áo và sốt cao, tay đang chọc ống kim truyền nước. Người mẹ lo lắng ngồi canh giường. Nyachoat có thể được cứu, song những bệnh nhân khác lại không may mắn như vậy.
Ở Nam Sudan, đối với người dân sống trong bóng tối xung đột, bên cạnh nỗi kinh hoàng về chiến tranh, bạo lực sắc tộc, hãm hiếp, đói khát và mất nhà cửa, thì nỗi lo sợ do bị cô lập khỏi dịch vụ y tế cũng đang bủa vây.
Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) – đơn vị hỗ trợ phòng khám nhỏ mà cậu bé Nyachoat đang nhận chữa trị tại vùng quê hẻo lánh Udier, 70% bệnh nhân qua đời do mắc bệnh sốt rét, tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp – những bệnh có thể dễ dàng được chữa trị.
“Nếu như mắc các bệnh nặng hơn thì chúng tôi không còn chỗ nào để đi”, mẹ của Nyachoat ngậm ngùi chia sẻ.
Theo một nghiên cứu của Viện Y tế Nhiệt đới London (LSHTM) công bố năm ngoái, có gần 400.000 người chết trong 6 năm nội chiến tại Nam Sudan. Một nửa trong số đó tử vong vì bạo lực xung đột, trong khi nửa còn lại qua đời vì nhiễm các bệnh dịch và không thể tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế do chiến tranh.
Tại làng Udier, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em là rất cao. Mỗi ngày, một nhóm nhỏ bệnh nhân ngồi bên ngoài phòng khám, dưới những tán cây khô hạn chờ đợi để được giúp đỡ. Một số bệnh nhân ở gần đó trong khi có những người phải đi bộ một hoặc hai ngày mới đến được phòng khám.
Nhân viên ICRC Irene Oyenya cho biết khu vực khu vực thượng lưu sông Nin đặc biệt bị ảnh hưởng. “Có những tổ chức hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ưu tiên, song trong thời chiến, gần như các tổ chức đều phải sơ tán và rời khỏi đất nước”, bà Oyenya cho biết.
ICRC theo thông lệ hai lần một tuần đưa thức ăn và dược phẩm y tế vào cứu trợ. Bên cạnh khu đất trống đáp máy bay là một tòa nhà xập xệ mái đỏ. Đó là trường học trong làng Udier, song trong nhiều ngày nay không hề thấy bóng dáng của giáo viên.
Tại những ngôi nhà xung quanh, người phụ nữ khẩn trương đắp lại mái nhà bằng bùn rơm đề phòng đợt mưa sắp tới. Vùng đầm lầy bao quanh cùng nước sông dâng cao khiến người dân trong làng bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nhân viên cứu trợ cũng khó có thể tiếp cận.
Bà Oyenya cho biết một thách thức lớn mà phụ nữ ở đây phải đối mặt là họ có nghĩa vụ làm tất cả công việc nặng nhọc và chăm sóc tới 10 đứa trẻ. Điều này có thể khiến việc đưa trẻ bị bệnh tới phòng khám bị trì hoãn và gây ra chết người.
Với những căn bệnh nghiêm trọng hơn, cụ thể như các biến chứng khi mang thai, truyền máu và phẫu thuật, bệnh viện gần nhất nằm ở Maban thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ, cách ngôi làng năm giờ lái xe hoặc đi bộ ba ngày.
Giành được độc lập từ năm 2011 song bị mắc kẹt trong xung đột bạo lực suốt 6 năm khiến cho quốc gia châu Phi này không thể phát triển. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là một trong nhiều lĩnh vực cần sự hỗ trợ từ các tổ chức viện trợ nước ngoài.
Tuy nhiên, Nam Sudan cũng được coi là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với những nhân viên làm trong các tổ chức nhân đạo. Theo con số thống kê của Liên hợp quốc, trong 5 năm qua đã có khoảng 100 tình nguyện viên thiệt mạng. Hàng chục tổ chức buộc phải rút khỏi khu vực do xung đột bạo lực.