Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, chính phủ Nam Phi thông báo như trên hôm 2/5, đồng thời công bố báo cáo dài gần 600 trang của ủy ban cố vấn đặc biệt do chính phủ chỉ định, có nhiệm vụ xem xét các chính sách, quy định và thực tiễn tại Nam Phi liên quan đến hoạt động quản lý, chăn nuôi, săn bắn, buôn bán và chăm sóc voi, sư tử, báo và tê giác.
Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi, bà Barbara Creecy, cho biết: “Ban hội thẩm nhận định rằng ngành công nghiệp nuôi nhốt sư tử vì mục đích thương mại khiến việc bảo tồn sư tử hoang dã trở nên thiếu bền vững”. Theo bà Creecy, ban hội thẩm đã khuyến nghị chính phủ Nam Phi không nuôi, nhốt sư tử hoặc sử dụng sư tử nuôi nhốt và các cá thể được nhân giống cho mục đích thương mại.
Hội đồng quốc gia Nam Phi về phòng chống hành động tàn ác đối với động vật đã hoan nghênh động thái của chính phủ nhằm chấm dứt các hành vi vô trách nhiệm, vô nhân đạo và không bền vững.
Edith Kabesiime, Giám đốc chiến dịch động vật hoang dã châu Phi của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận vì quyền lợi động vật toàn cầu, đã hoan nghênh động thái mới nhất của chính phủ Nam Phi là hành động dũng cảm, thực hiện những bước đầu tiên trong cam kết thay đổi lâu dài và có ý nghĩa. Đây là một chiến thắng dành cho động vật hoang dã.
Trong những năm gần đây, Nam Phi vấp phải nhiều chỉ trích vì các hoạt động mua bán sư tử nuôi nhốt, từ khi mới sinh cho đến khi chết. Có hàng trăm cơ sở trên khắp Nam Phi đang nhân giống và nuôi dưỡng hợp pháp hàng nghìn con sư tử cũng như các loài thuộc họ mèo lớn khác. Đôi khi, các động vật này phải sống trong điều kiện chuồng trại nhỏ và không đạt yêu cầu. Con non bị tách khỏi mẹ chỉ vài ngày sau khi sinh và khi trưởng thành có thể bị phối giống liên tục.
Sư tử nuôi nhốt ở Nam Phi được thuần hóa và quen với con người. Sư tử con được đưa vào các điểm tham quan thú cưng từ khi còn rất nhỏ trong khi sư tử trưởng thành hơn được sử dụng trong các hoạt động du lịch khác.
Khi sư tử đã quá lớn và khó đảm bảo được an toàn cho khách khi tiếp xúc, chúng sẽ bị đưa về nuôi nhốt hoặc bán cho các cơ sở khác, có thể bị bắn hạ trong các cuộc đi săn, bị giết để chế biến thịt đóng hộp hoặc để lấy xương. Xương, răng và móng vuốt của sư tử thường được đưa đến các nước Đông Á và Đông Nam Á để sử dụng làm đồ trang sức hoặc làm phụ kiện cho các sản phẩm xa xỉ.