Trong bài phát biểu được trình bày tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation), Phó Tổng thống Pence cho biết Mỹ đang đánh giá tất cả bằng chứng và đang tham vấn các đồng minh. Ông nhắc lại phát biểu của Tổng thống Donald Trump đưa ra trước đó rằng Mỹ không muốn chiến tranh với bất kỳ ai, song khẳng định Washington sẵn sàng bảo vệ các lợi ích cũng như đồng minh của Mỹ ở Trung Đông và Tổng thống sẽ đưa ra quyết định về "cách thức hành động tốt nhất trong những ngày tới". Ông Pence cũng cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày đã lên đường tới Saudi Arabia để thảo luận về cách đáp trả những cuộc tấn công trên.
Trước việc Washington đổ lỗi cho Tehran về vụ tấn công các cơ sở lọc dầu Saudi Arabia mặc dù lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen đã thừa nhận thực hiện hành động này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 17/9 cho rằng Mỹ không chịu thừa nhận rằng các nạn nhân của những tội ác chiến tranh tồi tệ nhất trong suốt 4 năm rưỡi qua tại Yemen có thể làm tất cả để phản kháng.
Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Zarif viết: "Có lẽ là họ (Mỹ) xấu hổ bởi hàng trăm tỷ USD vũ khí của họ không thể ngăn chặn được hỏa lực Yemen. Nhưng đổ lỗi cho Iran sẽ chẳng thay đổi được thực tế đó".
Hôm 14/9 vừa qua, nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia đã bị tấn công, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Lực lượng Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận tiến hành vụ tấn công, song Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công bắt nguồn từ Yemen, nơi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu chống Houthi hơn 4 năm qua.
Giới chức Mỹ cáo buộc Iran tấn công vào các nhà máy lọc dầu này của Saudi Arabia. Iran đã bác bỏ cáo buộc, cho rằng Washington đang viện lý do để trả đũa nước CH Hồi giáo.
Vụ việc trên tiếp tục khiến quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi sau những căng thẳng liên quan tới hồ sơ hạt nhân của Tehran, đe dọa tới triển vọng đối thoại giữa hai nước. Trong ngày 17/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông không nghĩ tới việc gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại kỳ họp của ĐHĐ LHQ dù từng để ngỏ khả năng này trước khi xảy ra vụ tấn công. Trước đó một ngày, Tổng thống Iran cũng tuyên bố sẽ không gặp Tổng thống Mỹ tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York.
Trong diễn biến liên quan, một quan chức Mỹ giấu tên ngày 17/9 cho biết Washington đã đi tới kết luận rằng vụ tấn công hồi cuối tuần qua nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia được tiến hành từ miền Tây Nam Iran. Vụ tấn công này có sự tham gia của máy bay không người lái và các tên lửa hành trình. Theo quan chức này, Mỹ đang thu thập bằng chứng về vụ tấn công để công bố tại kỳ họp lần thứ 74 của Đại hội đồng LHQ.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao khác lại nhấn mạnh Hội đồng Bảo an LHQ cần đưa ra phản ứng trước vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định khả năng để HĐBA thông qua một nghị quyết nào đó theo đề xuất của Mỹ là không nhiều bởi có thể vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc – hai nước có quyền phủ quyết. Trước đó, cả Nga và Trung Quốc đều kêu gọi tất cả các bên thận trọng trong việc quy kết trách nhiệm hay có kết luận vội vàng về bên tiến hành vụ tấn công.
Cũng trong ngày 17/9, trong cuộc điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án các vụ tấn công trên, đồng thời khẳng định sẵn sàng sát cánh bên Saudi Arabia cũng như cam kết đảm bảo an ninh cho quốc gia này. Thủ tướng Anh cũng tái khẳng định sự cần thiết phải có phản ứng tập thể trước vụ tấn công trên, đồng thời kêu gọi Thái tử bin Salman tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế.
Dự kiến, Bộ Quốc phòng Saudi Arabia sẽ tổ chức một buổi họp báo trong ngày 18/9 để cung cấp các thông tin về vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Aramco.