Mối lo ngại bùng phát một cuộc xung đột giữa các lực lượng Iran và Mỹ ở Vùng Vịnh đã dấy trở lại ngày 15/9 sau khi Washington cáo buộc Tehran tiến hành các vụ tấn công bằng máy bay không người lái phá hủy các cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới tại Saudi Arabia.
Mỹ "đã khóa mục tiêu và lên nòng"
Tối 15/9 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên trang Twitter: "Nguồn cung dầu ở Saudi Arabia đã bị tấn công. Có lý do để tin rằng chúng ta biết kẻ chủ mưu". Ông khẳng định quân đội Mỹ “đã khóa mục tiêu và lên nòng” để đáp trả cuộc tấn công nhằm vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia cuối tuần qua. Ông Trump cũng cho biết thêm Mỹ “đang chờ” thông tin từ Riyadh về “kẻ mà họ tin rằng đã gây ra vụ tấn công này và những điều kiện để mở đòn tấn công".
Cảnh báo của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, với sự tham dự của Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.
Cáo buộc nói trên được đưa ra sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái lúc rạng sáng ngày 14/9 nhằm vào hai cơ sở lọc dầu ở Abqaiq và Khurais ở tỉnh Miền Đông của Saudi Arabia.
Xem video hiện trường vụ tấn công cơ sở lọc dầu Saudi Arabia ngày 14/9 ():
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đổ lỗi cho Iran về các vụ tấn công bằng máy bay không người lái, ông cho rằng “không có bằng chứng cho thấy những vụ tấn công này đến từ Yemen”. “Iran đã tiến hành một cuộc tấn công chưa có tiền lệ nhằm vào nguồn cung năng lượng của thế giới”, ông Pompeo nói.
Một số quan chức Mỹ cao cấp khác cũng dẫn các nguồn tin tình báo, bao gồm cả ảnh chụp vệ tinh, ủng hộ cho cáo buộc Iran phải chịu trách nhiệm. Theo đó, những hình ảnh này cho thấy những tác động từ vụ tấn công thể hiện nó đã được tiến hành từ phía Iran, chứ không phải phía Yemen.
Theo giới chức Mỹ, một số thiết bị nổ không tiếp cận được mục tiêu đã được thu hồi và đang được các cơ quan tình báo Saudi và Mỹ phân tích trước khi đưa ra kết luận về kẻ đứng sau vụ tấn công.
Iran "sẵn sàng chiến tranh tổng lực"
Phản ứng lại, Iran tuyên bố không liên quan đến vụ tấn công nói trên, vốn đã được nhóm phiến quân Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm. Ngoại trưởng Iran Abbas Mousavi khẳng định cáo buộc từ Washington là nhằm biện minh cho những hành động chống lại Tehran. “Những tuyên bố này giống như là âm mưu của các tổ chức mật và tình báo nhằm hủy hoại thanh danh của một đất nước, và tạo ra bộ khung cho những hành động trong tương lai”, ông Mousavi phát biểu.
Trước những cảnh báo từ Nhà Trắng, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 15/9 tuyên bố họ đã chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh tổng lực”.
Tư lệnh nhánh hàng không vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo lưu ý rằng, các tên lửa Iran có thể tấn công căn cứ và tàu chiến Mỹ trong tầm bắn 2.000 km.
“Do tình hình căng thẳng và nhạy cảm, khu vực của chúng ta đang giống như một thùng thuốc súng” Chuẩn tướng Iran, Amir Ali Hajizadeh nói. “Cả chúng tôi lẫn người Mỹ đều không muốn chiến tranh. Nhưng khi sự tiếp xúc này đến quá gần, khi lực lượng quân sự này cận kề với lực lượng khác, xung đột có thể xảy ra do hiểu nhầm”, ông Hajizadeh lcho biết và nhấn mạnh: “Tất nhiên một số lực lượng đang đối mặt nhau trên chiến trường có thể làm điều gì đó để kích hoạt chiến tranh. Chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tổng lực”.
Ông Hajizadeh cho rằng các lực lượng Iran đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công trả đũa nếu Mỹ tấn công Iran. Và những hành động dù ở bất cứ bên nào cũng có thể đẩy hai bên vào một cuộc chiến vốn đã ngầm ngầm bên dưới mặt Vịnh từ vài tháng qua”.
"Thùng thuốc súng"
Mỹ và Iran gần đây suýt nữa đã rơi vào chiến tranh khi Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công các mục tiêu Iran để trả đũa vụ nước này bắn rơi máy bay do thám tiên tiến của Mỹ, cũng như bị cáo buộc gây ra nhiều vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu trên Vịnh Persian. Lệnh tấn công được đưa ra, các tên lửa của Mỹ ở Vùng Vịnh đã vào vị trí, nhưng đã được nhà lãnh đạo Mỹ rút lại vào phút chót.
“Có những phần tử diều hâu ở cả Iran, Mỹ và khu vực, đang muốn xung đột quân sự”, một quan chức cao cấp trong chính phủ Iran giấu danh tiếng phát biểu với tờ Al-Jazeera. "Những vụ tấn công như vậy sẽ khiến một cuộc đối đầu quân sự trở nên rõ ràng, và đó là những gì những kẻ cứng rắn ở Iran và những nơi khác mong muốn. Cuộc đối đầu như vậy sẽ không chỉ hủy hoại Iran mà tất cả các quốc gia ở Vùng Vịnh”.
Trả lời phỏng vấn tờ Al Jazeera, ông Lawrence Korb, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cũng cho rằng: “Nếu chúng ta tấn công Iran, ta sẽ rơi vào một cuộc xung đột rất, rất bạo lực, lan rộng trên khắp Vùng Vịnh". “Điều đó chỉ làm leo thang những vấn đề ta đang đối mặt. Thực sự, những gì chúng ta cần làm là chấm dứt nội chiến ở Yemen”.
Tuy nhiên ông Korb cũng lưu ý rằng Tổng thống Trump thường tránh khai chiến và những lời lẽ hùng hồn của ông “thường không theo sau là hành động”.
Tehran và Washington đã rơi vào nguy cơ đối đầu quân sự từ tháng 5 năm ngoái khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân đa phương 2015, quy định nới lỏng trừng phạt Iran để đổi lấy việc Tehran kềm chế chương trình hạt nhân.
Sau đó Mỹ đã áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt chống Iraq trong chiến dịch “áp lực tối đa”.
Tehran đáp lại bằng cách giảm các cam kết hạt nhân và đe dọa khống chế Eo biển Hormuz, tuyến đường biển huyết mạch chuyên chở 20% lượng dầu của cả thế giới.
Ngày 15/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi một cuộc gặp thượng định khu vực bàn về cuộc tấn công nhằm vào Saudi Arabia, đồng thời cáo buộc Washington đã cố tình lái trách nhiệm về cuộc chiến tại Yemen, nơi đồng minh của Mỹ là Saudi Arabia đang dẫn đầu liên quân liên tục tiến hành các cuộc không kích.
“Những người vô tôi đang hàng ngày chết ở Yemen…. Người Mỹ - thay vì đổ lỗi cho chính mình và thừa nhận rằng sự có mặt của họ trong khu vực đang gây ra các vấn đề - lại đổ lỗi cho các nước khác trong khu vực hoặc cho người dân Yemen”, ông Rouhani nói.
“Nếu chúng ta muốn có nền an ninh thực sự trong khu vực, giải pháp là phải ngừng hành động gây hấn của Mỹ. Chúng tôi tin rằng các vấn đề trong khu vực có thể được giải quyết thông qua đàm phán tại Yemen, các cuộc thương lượng giữa người Yemen, họ phải được quyết định vấn đề của chính mình. Việc trút bom xuống người dân Yemen phải dừng lại”, Tổng thống Iran tuyên bố.
Saudi Arabia và Iran ủng hộ những phe phái trên khắp Trung Đông, từ Yemen và Syria cho đến Lebanon và Iraq.
Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dẫn đầu một liên minh quân sự ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhân tại Yemen chống lại lực lượng Houthi. Cuộc chiến tranh tại Yemen được Liên Hợp Quốc mô tả là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.