Tại thị trường châu Á, lúc 10 giờ 43 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn tăng 5,98 USD (hay 9,9%) so với cuối phiên cuối tuần trước (13/9) lên 66,20 USD/thùng, sau khi tăng 19,5% (mức tăng giữa phiên cao nhất kể từ 14/1/1991) lên 71,95 USD/thùng vào lúc mở cửa phiên giao dịch.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tăng 4,88 USD (8,9%) so với lúc đóng phiên 13/9 lên 59,73 USD/thùng sau khi có lúc leo lên 63,64 USD/thùng, tăng 15,5%, mức tăng giữa phiên lớn nhất kể từ 22/6/1998.
Đà tăng trên thị trường có phần chững lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã cho phép sử dụng dầu thô từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) nếu cần thiết, sau vụ tấn công vào hai cơ sở dầu mỏ tại Saudi Arabia.
Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Saudi Arabia Aramco cho biết các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào hai cơ sở dầu mỏ của tập đoàn tại Abqaiq và Khurais đã làm sản lượng dầu giảm 5,7 triệu thùng/ngày. Các vụ tấn công diễn ra vào thời điểm Aramco đang cố gắng chuẩn bị cho lần đầu chào bán cổ phiếu (IPO) ra thị trường thế giới.
Theo nguồn tin trong ngành, xuất khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia sẽ tiếp tục như bình thường trong tuần nay khi nước này đưa ra thị trường nguồn cung từ các cơ sở dự trữ dầu mỏ lớn của nước này.
Trước khi xảy ra các cuộc tấn công vào cơ sở sản xuất dầu mỏ quan trọng của Saudi Arabia, tổ chức S&P Global Platts cho biết mối lo ngại về an ninh nguồn cung năng lượng tại Trung Đông ngày càng tăng và phí bảo hiểm rủi ro trên thị trường dầu thô toàn cầu dự kiến sẽ tăng.
Theo công ty tư vấn Energy Aspects, Saudi Arabia được cho là sẽ trở thành nước mua lượng lớn sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ sau các vụ tấn công ngày 14/9. Tập đoàn Aramco có thể sẽ mua lượng lớn xăng, dầu diesel và có thể cả dầu nhiên liệu, trong khi cắt giảm xuất khẩu khí dầu mỏ hóa lỏng.