Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thủ đô Washington ngày 1/9. AFP/TTXVN |
Trả lời kênh truyền hình Fox News, ông Mnuchin cho biết ông sẽ đề nghị Tổng thống Donald Trump kiên quyết xem xét việc cắt đứt tất cả các hoạt động thương mại của Bình Nhưỡng bằng các biện pháp trừng phạt mới này. Ông khẳng định: "Nếu các nước muốn làm ăn với Mỹ, dĩ nhiên phải phối hợp với các đồng minh của chúng tôi và các nước khác nhằm cứt đứt quan hệ với Triều Tiên về mặt kinh tế".
Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump chuẩn bị họp với các cố vấn an ninh quốc gia để thảo luận về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định: "Đội ngũ an ninh quốc gia đang xem xét chặt chẽ vụ thử này và sẽ có một cuộc họp để thảo luận sâu hơn trong ngày hôm nay (3/9)".
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã cực lực lên án vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, gọi đây là "một sự vi phạm trắng trợn đối với nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)". Trong một tuyên bố ngày 3/9, ông Stoltenberg cũng khẳng định NATO "quan ngại trước hành vi gây mất ổn định của Bình Nhưỡng, điều gây ra một mối đe dọa an ninh khu vực và quốc tế".
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cũng tuyên bố vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên là một "sự khiêu khích lớn" và là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế". Trong tuyên bố của mình, bà Mogherini nhấn mạnh Bình Nhưỡng "phải từ bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược các chương trình hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo, cũng như dừng ngay tất cả các hành động liên quan".
Theo tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các nhà ngoại giao hàng đầu của nước này và EU đã nhất trí thúc đẩy "các biện pháp thống nhất và mạnh mẽ" đối với việc Triều Tiên khiêu khích bằng vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Trong cuộc điện đàm cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha và bà Federica Mogherini đã nhất trí rằng Hàn Quốc và EU sẽ tiếp tục tìm kiếm trong hòa bình việc giải trừ hạt nhân toàn diện, có thể xác nhận và không thể đảo ngược của Triều Tiên. Song để làm được điều này, người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc hy vọng vào sự hợp tác của bà Mogherini để cố gắng đạt được một nghị quyết mới thông qua HĐBA LHQ nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Dự kiến, ngoại trưởng các nước thành viên EU sẽ họp vào tuần tới để thảo luận về cách thức đáp trả vụ thử của Triều Tiên, theo đó ủng hộ tầm quan trọng của việc gia tăng các biện pháp trừng phạt và gây áp lực đối với Bình Nhưỡng.
Anh và Italy cũng là hai trong số những quốc gia kịch liệt phản đối vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng "Triều Tiên dường như đang tiến gần hơn tới một quả bom nhiệt hạch (bom H), nếu như nó được gắn thành công vào một tên lửa đạn đạo, không còn nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là một mối đe dọa mới". Mặc dù ưu tiên của Anh là giải pháp ngoại giao thay vì quân sự, song Anh cho biết mọi giải pháp đang được đặt trên bàn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano một mặt cho rằng Triều Triên phải từ bỏ ngay lập tức chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của nước này, song một mặt kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt theo đuổi con đường đang tự cô lập mình. Ông Alfano cam kết rằng Italy sẽ nỗ lực hết sức nhằm đạt được biện pháp đáp trả kiên quyết và thống nhất với cộng đồng quốc tế.