Dẫn lời một quan chức, đài truyền hình CNN đưa tin nhóm tàu đổ bộ USS Bataan và Đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến số 26 (MEU 26) sẽ bắt đầu hành trình về Mỹ trong tháng 3. Thời gian chính xác cho chuyến khởi hành vẫn chưa được ấn định. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn có thể quyết định duy trì nhóm này ở lại khu vực nếu tình hình xấu đi.
Lực lượng phản ứng nhanh của Thủy quân lục chiến được triển khai lần đầu tiên vào tháng 7/2023. Có khả năng thực hiện các hoạt động đổ bộ và một số hoạt động đặc biệt, Thủy quân lục chiến cũng được huấn luyện để hỗ trợ các hoạt động sơ tán - một trong những lý do khiến họ được điều động khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra.
Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận về thông tin rút quân trên theo yêu cầu của CNN.
Sau vụ tập kích của lực lượng Hamas xuyên biên giới Israel ngày 7/10/2023, Mỹ luôn duy trì một nhóm tàu sân bay hoặc tàu tấn công đổ bộ ở phía Đông Biển Địa Trung Hải. Các tàu chiến này nhằm mục đích ngăn chặn các lực lượng thân Iran trong khu vực làm leo thang tình hình vốn đã bất ổn và có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Ít nhất là ở thời điểm hiện tại, các lực lượng thân Iran trong khu vực đã tạm dừng các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria. Sau loạt cuộc tấn công liên tục kể từ tháng 10, lực lượng Mỹ trong khu vực đã bị tấn công ít nhất 170 lần. Tuy nhiên, trong 3 tuần trở lại đây, không có cuộc tấn công nào vào lực lượng Mỹ. Việc ngừng đột ngột các cuộc tấn công diễn ra sau khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã tập kích một căn cứ Mỹ hồi cuối tháng 1 ở Jordan, khiến 3 quân nhân Mỹ thiệt mạng và 70 người khác bị thương.
Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết trong cuộc họp báo ngày 22/2: “Tôi tin rằng chúng tôi đã gửi một thông điệp rất mạnh mẽ bằng các cuộc tấn công. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy nếu cần thiết”.
Nếu nhóm tàu USS Bataan hồi hương, Washington lần đầu tiên không có tàu chiến có khả năng vận hành máy bay chiến đấu ở phía Đông Biển Địa Trung Hải kể từ tháng 10/2023. Nhóm tàu Bataan bao gồm 4.000 thủy thủ và lính thủy đánh bộ, trong đó khoảng 2.000 người là thành viên của MEU 26. Trên tàu này đang có 24 máy bay.
Ngoài nhóm tàu USS Bataan, Mỹ vẫn có một tàu khu trục tên lửa dẫn đường ở phía Đông biển Địa Trung Hải và các tàu chiến khác gần đó có thể được điều động tới khu vực nếu cần. Nhóm tấn công tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower hiện hoạt động ở Biển Đỏ. Các máy bay chiến đấu F/A-18 của Hải quân từ tàu sân bay và các tàu khu trục đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen, cũng như liên tục ngăn chặn các vụ tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại và hải quân.
Sau ngày 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh cho nhóm tấn công tàu sân bay USS Gerald R. Ford tới phía Đông Địa Trung Hải. Vài ngày sau, nhóm tấn công tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower được triển khai từ Mỹ và hướng tới khu vực. Nhóm tàu đổ bộ USS Bataan, vốn đã có mặt ở Vịnh Oman như một phần trong nỗ lực ngăn chặn Iran, cũng được điều đến vùng biển gần Israel.
Động thái này đã tập trung ba nhóm tàu chiến lớn, bao gồm hàng nghìn thủy thủ và lực lượng thủy quân lục chiến sẵn sàng ứng phó, đến Trung Đông cùng lúc.
Nhưng vào tháng 1, khi cuộc chiến bước sang tháng thứ 3 và không có dấu hiệu ngừng bắn, Mỹ bắt đầu rút lực lượng khỏi khu vực. Nhóm tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã rời phía Đông Địa Trung Hải và được thay thế bằng nhóm tàu đổ bộ Bataan và lực lượng phản ứng nhanh của Thủy quân lục chiến.