Mỹ hoan nghênh Ấn Độ nối lại xuất khẩu vaccine

Ngày 23/9, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã hoan nghênh tuyên bố của Ấn Độ nối lại các hoạt động xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Nghiên cứu viên bào chế vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Viện sản xuất vaccine lớn nhất Ấn Độ ở Pune. Ảnh tư liệu: REUTERS/TTXVN

Ấn Độ, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã quyết định ngừng xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 4 vừa qua để tập trung cho chiến dịch tiêm chủng trong nước nhằm đối phó với nguy cơ đại dịch tái bùng phát. Ngày 20/9, Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya thông báo quốc gia Nam Á này sẽ nối lại các hoạt động xuất khẩu vaccine từ quý IV/2021, trong đó ưu tiên hàng đầu cho các nước láng giềng.

Trong một diễn biến khác, Mỹ cho biết sẽ gửi thêm 2,5 triệu liều vaccine cho Bangladesh, quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Cụ thể, lô vaccine mới gồm 2.508.480 liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech sẽ nâng tổng số vaccine mà Mỹ viện trợ cho Bangladesh lên hơn 9 triệu liều. Hiện công tác đóng gói cho chuyến giao hàng đầu tiên đang được tiến hành thông qua chương trình tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX. Trước đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden thông báo viện trợ thêm 500 triệu liều vaccine cho các nước trên thế giới.

Theo các thống kê của hãng AFP (Pháp) đến tuần này, hiện chỉ 9,3% dân số Bangladesh được tiêm đủ vaccine. Quốc gia với 170 triệu dân có đường biên giới chung với Ấn Độ này đang rất vất vả để kiểm soát dịch với việc áp đặt một trong những lệnh phong tỏa kéo dài nhất thế giới.

Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ là "kho vũ khí" vaccine trong cuộc chiến chống COVID-19 và lượng vaccine mà nước này viện trợ hiện đã nhiều hơn tổng cộng số vaccine do các nước khác viện trợ trên thế giới. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu, do Mỹ tổ chức dưới hình thức trực tuyến ngày 23/9, ông Biden cho biết Mỹ đã bổ sung một lượng vaccine "lịch sử" gồm 500 triệu liều, nâng tổng số liều vaccine Mỹ cam kết tài trợ cho thế giới lên 1,1 tỷ liều vaccine. Đợt bổ sung này sẽ là vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình theo xếp hạng của Gavi (Tổ chức Vaccine toàn cầu), đồng điều hành cơ chế COVAX với Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bích Liên (TTXVN)
Tỷ phú công nghệ Mỹ chuyển giao công nghệ vaccine ngừa COVID-19 cho Nam Phi
Tỷ phú công nghệ Mỹ chuyển giao công nghệ vaccine ngừa COVID-19 cho Nam Phi

Tỷ phú công nghệ sinh học Mỹ Patrick Soon-Shiong ngày 23/9 thông báo sẽ bắt đầu chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 và ung thư tại Nam Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN