Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, vị bác sĩ người Mỹ gốc Nam Phi này cho biết theo kế hoạch, công ty của ông sẽ chuyển giao công nghệ trong 3 tháng tới và hoạt động sản xuất vaccine sẽ bắt đầu từ năm 2022. Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp của Chính phủ Nam Phi, Hội đồng Nghiên cứu Y học Nam Phi và Trung tâm ứng phó với dịch và cải tiến cùng 4 trường đại học ở Nam Phi sẽ phối hợp trong sáng kiến NantWorks này. Bên cạnh vaccine, sáng kiến NantWorks cũng sẽ nghiên cứu phương pháp trị liệu miễn dịch dựa trên tế bào để tạo ra các biện pháp mới điều trị ung thư.
Ông Soon-Shiong chia sẻ: "Đây là thời khắc lịch sử trong cuộc đời tôi, hiện thực hóa giấc mơ cả đời là tìm kiếm công nghệ có thể mang về đóng góp cho quê hương. Giờ đây chúng ta có kiến thức, công nghệ để sản xuất vaccine tại châu Phi".
Về phần mình, Tổng thống Ramaphosa mô tả đầu tư trên sẽ "thay đổi cuộc chơi" cho Nam Phi. Ông nhấn mạnh: "Hợp tác này sẽ đặt Nam Phi và châu Phi nói chung vào sự tiến bộ nhất về y tế, khoa học, công nghệ và đổi mới".
Tỷ phú Soon-Shiong đã làm giàu từ thành công của một loại thuốc điều trị bệnh ung thư mà ông phát minh ra. Ông cũng sở hữu tờ the Los Angeles Times và có cổ phần tại đội bóng rổ Los Angeles Lakers. Ông đã tạo ra sáng kiến NantWorks nhằm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp mà ông cho rằng sẽ giúp hiện đại hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Đây là dự án đầu tư thứ ba vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm trong năm nay ở Nam Phi - nước bị ảnh hưởng lớn nhất châu lục trong đại dịch COVID-19. Trước đó, công ty Aspen Pharmacare đã có hợp đồng đóng gói vaccine của hãng Johnson & Johnson tại thành phố Gqeberha. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn Nam Phi là trung tâm sản xuất mRNA với việc công ty Biovac tại Cape Town đã hoàn tất bước cuối cùng trong các công đoạn đóng gói vaccine của hãng Pfizer/BioNTech.