Trong một thông báo về bản cáo trạng, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers cho biết các công tố viên buộc tội ngân hàng trên với 6 tội danh lừa đảo, rửa tiền và vi phạm các lệnh trừng phạt chống Iran.
Theo các công tố viên, Halkbank đã cho phép Iran tiếp cận nhiều quỹ có trị giá xấp xỉ 20 tỉ USD trong khi che giấu nhà chức trách Mỹ về hoạt động này. Ông Demers nhấn mạnh: “Đây là một trong hành động nghiêm trọng nhất vi phạm lệnh trừng phạt Iran mà chúng tôi từng biết”.
Bản cáo trạng được đưa ra tại tòa án Manhattan cáo buộc từ năm 2012 – 2016, ngân hàng Halkbank cùng một số cá nhân và thực thể lợi dụng các công ty bình phong tại Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số nước khác để né lệnh cấm nước Cộng hòa Hồi giáo tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Halkbank đã cho phép Iran giao dịch với ngân hàng, trong đó có những khoản thu từ việc xuất khẩu dầu khí của Tehran.
Sau đó, Chính phủ Iran được cho là dùng số tiền thu được từ kinh doanh dầu mỏ để mua vàng. Các công tố viên cũng cáo buộc quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận hối lộ hàng chục triệu USD từ cơ chế hoạt động trên để “qua mặt” nhà chức trách Mỹ.
Bên cạnh đó, các công tố viên liên bang cũng buộc tội 9 cá nhân liên quan đến vụ việc, trong đó có Phó Giám đốc ngân hàng Mehmet Hakan Atilla năm ngoái bị kết tội âm mưu giúp Tehran né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào hoạt động giao dịch dầu mỏ của Iran. Tháng 1/2018, Atilla bị kết tội sau 5 tuần xét xử tại New York. Ông đã được trả tự do vào tháng 7 vừa qua.
Bản cáo trạng trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Ankara đang trong thời kỳ nhạy cảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/10 ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến chiến dịch quân sự của Ankara chống người Kurd tại miền Bắc Syria. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Washington sẽ trừng phạt 3 trong số các quan chức quyền lực nhất Thổ Nhĩ Kỳ gồm Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng Nội vụ, cũng như 2 bộ là Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng.