Một số nội dung chính trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Đức

Chính phủ Đức đã cam kết đầu tư trị giá 100 tỷ euro để hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo báo Deutsche Welle (Đức), Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock ngày 18/3 đã có bài phát biểu tại Berlin trong đó nêu ra các ưu tiên trong chiến lược an ninh quốc gia mới của nước này.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Annalena Baerbock. Ảnh: DW

Berlin đã tiến hành một loạt các thay đổi chính sách lớn sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Bà Baerbock cho rằng Đức cần có cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh quốc gia và "chính sách an ninh không chỉ là quân sự và ngoại giao". 

Nhà ngoại giao Đức nêu rõ chiến lược an ninh mới của nước này sẽ tập trung vào an ninh mạng, một chiến lược mới về Trung Quốc, một chính sách năng lượng bao gồm việc loại bỏ các nguồn năng lượng hóa thạch, phát triển hơn năng lượng tái tạo và ngoại giao khí hậu.

Theo bà Baerbock, các cuộc tấn công mạng là một phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại và Berlin sẽ vạch ra một chiến lược mới về Trung Quốc với lý do có sự bất ổn ở các quốc gia mà Bắc Kinh đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như ở châu Phi.

Chính sách năng lượng cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ngoại trưởng Đức nói: “Chúng ta cần phải từ bỏ các nguồn năng lượng hóa thạch và tiến nhanh hơn tới các nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả. Đây không chỉ là đầu tư vào năng lượng sạch mà còn là đầu tư vào an ninh và các quyền tự do của chúng ta”.

Bà Baerbock cũng gọi cuộc khủng hoảng khí hậu là “cuộc khủng hoảng an ninh của thời đại”, nhấn mạnh rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu đã và đang làm trầm trọng thêm các vấn đề an ninh ở các quốc gia khác nhau.

“Đây là lý do tại sao ngoại giao khí hậu là một phần không thể thiếu trong chiến lược an ninh mới của chúng tôi", bà Baerbock nói thêm.

Về quốc phòng, nhà ngoại giao Đức nêu rõ: “Các cuộc tập trận quân sự của chúng tôi cần phản ánh những thực tế mới và chúng tôi cho rằng sườn phía Đông của NATO đang chịu một mối đe dọa mới, vì vậy chúng tôi cần sự hiện diện nhiều hơn của NATO ở các nước Đông Nam châu Âu. Đức sẽ đóng góp đáng kể vào điều đó ở Slovakia".

Phát biểu về hợp tác quốc tế về quốc phòng, Baerbock nói: "Sức mạnh của chúng tôi là sự đoàn kết quốc tế. EU hiện đang lần đầu tiên xây dựng một chiến lược chính sách an ninh sâu rộng với sự khởi xướng của Đức".

Bà Baerbock kết luận cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy một lần nữa an ninh của châu Âu phụ thuộc vào khả năng phòng thủ chung của NATO và cho rằng an ninh của Đức nên bổ sung cho các chính sách an ninh của EU và NATO. 

Công Thuận/Báo Tin tức
Tổng thống Syria, Assad lần đầu tiên thăm một quốc gia Arab kể từ sau chiến tranh
Tổng thống Syria, Assad lần đầu tiên thăm một quốc gia Arab kể từ sau chiến tranh

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 18/3 đã tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới một quốc gia Arab kể từ khi chiến tranh Syria bùng nổ năm 2011.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN