Theo trang RT, người đứng đầu phái đoàn Nga, Vladimir Medinsky, cho biết ngày 18/3, Moskva và Kiev đã đạt được những tiến bộ nhất định trong các cuộc đàm phán đang diễn ra, đi tới gần nhau hơn trong quan điểm về tình trạng trung lập tiềm năng của Ukraine.
“Chủ đề về quy chế trung lập và việc Ukraine không gia nhập NATO là một trong những vấn đề quan trọng của cuộc đàm phán. Đây là vấn đề mà các bên đã đưa ra quan điểm của họ ngày càng gần hơn”, ông Medinsky thông báo. “Sau đó, các chi tiết bắt đầu liên quan đến những đảm bảo an ninh mà Ukraine nhận được ngoài những gì đã có trong trường hợp nước này từ chối gia nhập khối NATO.”
Tuy nhiên, những vấn đề khác, cụ thể là yêu cầu của Nga về việc “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine, vẫn là chủ đề gây tranh luận. Ông Medinsky tiết lộ rằng các phái đoàn mới chỉ đi được "nửa chừng" trong việc tìm ra cơ sở chung cho vấn đề “phi quân sự hoá”, trong khi vẫn còn khác biệt trong vấn đề “phi phát xít hoá”, với việc Kiev tiếp tục phủ nhận sự tồn tại của chủ nghĩa tân Quốc xã ở nước này.
“Các đồng nghiệp bên Ukraine tin rằng không có lực lượng nào kiểu Quốc xã ở Ukraine” - nhà đàm phán Nga Medinsky giải thích.
Thông báo của ông Medinsky được đưa ra khi Nga và Ukraine đã bắt đầu vòng đàm phán thứ tư, từ ngày 14/3 theo hình thức trực tuyến.
Trước đó, các đoàn đại biểu của Nga và Ukraine đã tổ chức 3 vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2. Các cuộc đàm phán vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể nào, ngoại trừ việc Kiev và Moscow nhất trí về việc tổ chức các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các khu vực giao tranh.
Moskva đã tấn công nước láng giềng vào tháng trước sau bế tắc kéo dài 7 năm mà họ đổ lỗi cho Ukraine không thực hiện các điều khoản của Thỏa thuận Minsk 2014-15 và cuối cùng là sự công nhận của Nga đối với các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở Donbass, miền đông Ukraine.
Ngày 18/3, trong cuộc điện đàm kéo dài một giờ đồng hồ với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin cho biết nước này vẫn muốn tiếp tục đàm phán và sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp phù hợp với cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc của Moskva.
Cùng ngày, New Zealand đã công bố danh sách các chính trị gia, nhà báo và thực thể Nga bị trừng phạt liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao New Zealand nhấn mạnh đợt trừng phạt đầu tiên này nhằm vào các cá nhân và thực thể chính trị và quân sự, đồng thời mở rộng các biện pháp trừng phạt hiện có đối với Tổng thống Putin và 12 thành viên Hội đồng An ninh LB Nga, bao gồm việc đóng băng tài sản, cấm tàu thuyền và máy bay của các cá nhân này nhập cảnh New Zealand.