Moskva và 2 nước EU phản ứng về việc Ukraine ngừng quá cảnh dầu Nga

Điện Kremlin cho rằng việc gián đoạn vận chuyển dầu của Nga qua Ukraine là một "cuộc khủng hoảng" đối với người mua trong khi Hungary cho biết điều này là mối đe dọa đối với nguồn cung dài hạn.

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, Tây Siberia (LB Nga). Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây gọi việc gián đoạn vận chuyển dầu của Nga qua Ukraine là một "cuộc khủng hoảng" đối với những người mua dầu. Tuy nhiên, ông cho biết có rất ít cơ hội đàm phán với các công ty vận chuyển dầu của Ukraine vì quyết định này mang tính chính trị.

Slovakia và Hungary, 2 thành viên của EU và NATO, thông báo họ đã ngừng nhận dầu từ nhà cung cấp chính, công ty Lukoil của Nga, sau khi Ukraine cấm vận chuyển nhiên liệu từ các công ty năng lượng của Nga qua lãnh thổ của mình vào tháng trước.

"Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với các công ty Ukraine cung cấp dịch vụ trung chuyển. Quyết định này được đưa ra không phải ở cấp độ kỹ thuật mà ở cấp độ chính trị. Chúng tôi không có đối thoại ở đây. Do đó, tình hình thực sự là một cuộc khủng hoảng đối với những người nhận dầu của chúng tôi, nhưng điều đó không phụ thuộc vào chúng tôi", ông Peskov phát biểu trong cuộc họp báo.

Nga vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu mỏ cho châu Âu thông qua Ukraine mặc dù có xung đột với Kiev, mà Moskva gọi là một chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhánh phía Nam của đường ống Druzhba chạy qua Ukraine đến CH Séc, Slovakia và Hungary, là nguồn cung cấp chính cho các nhà máy lọc dầu của những nước này trong nhiều năm. Rosneft, Lukoil và Tatneft là những nhà xuất khẩu chính của Nga qua tuyến đường trên.

Hai nguồn tin nói với hãng tin Reuters rằng nguồn cung dầu thô Urals của Nga thông qua đường ống Druzhba tới Slovakia đã giảm mạnh so với khối lượng dự kiến. Họ cho biết nguồn cung cấp dầu qua đường ống tới CH Séc vẫn diễn ra bình thường, trong khi lưu lượng tới Hungary thấp hơn một chút so với mức dự kiến.

Hungary cho biết việc Ukraine dừng vận chuyển dầu của Lukoil là mối đe dọa đối với nguồn cung dài hạn. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto phát biểu rằng quyết định của Kiev dừng vận chuyển dầu từ Lukoil của Nga đe dọa đến an ninh nguồn cung lâu dài cho Slovakia và Hungary.

"Chúng tôi có thể ổn định tình hình bằng các giải pháp tạm thời, nhưng những giải pháp này vẫn chưa đủ ngay cả trong tương lai gần. Chính quyền Ukraine đã thể hiện thiện chí tìm ra giải pháp cho tình hình, nhưng những nỗ lực này đã dần lắng xuống", ông Szijjarto nêu rõ.

Về phần mình, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã chỉ trích lệnh trừng phạt Lukoil của Ukraine khi dòng dầu ngừng chảy. Ông Fico đã thảo luận về vấn đề này với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal trong cuộc điện đàm hôm 20/7 sau khi Kiev đưa tập đoàn Lukoil của Nga vào danh sách trừng phạt, dẫn đến việc dừng giao hàng, nhấn mạnh rằng Slovakia không muốn "trở thành con tin trong mối quan hệ Ukraine-Nga".

Chính phủ Slovakia cho biết công ty năng lượng Slovnaft của nước này sẽ nhận được lượng dầu ít hơn 40% để chế biến so với nhu cầu, điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường Slovakia và cũng có thể dẫn đến việc ngừng cung cấp dầu diesel từ Slovnaft cho Ukraine.

Văn phòng Thủ tướng Slovakia lưu ý: "Việc đưa Lukoil vào danh sách trừng phạt chỉ là một ví dụ nữa về lệnh trừng phạt vô nghĩa không gây tổn hại đến Liên bang Nga mà chủ yếu là một số quốc gia thành viên (EU và NATO), điều này là không thể chấp nhận được".

Thủ tướng Fico từ lâu đã chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Nga và sau khi nhậm chức lần thứ tư vào năm ngoái, ông đã dừng viện trợ quân sự trực tiếp của nước này cho Ukraine. Trong khi EU đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu thô của Nga, một số quốc gia như Slovakia được miễn trừ để có thêm thời gian chuyển đổi sang các nguồn thay thế.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Reuters/Politico)
Nga, Triều Tiên và trật tự an ninh Đông Á mới 
Nga, Triều Tiên và trật tự an ninh Đông Á mới 

Trong khi Triều Tiên có vị thế chiến lược mới, với sự đảm bảo an ninh từ hai cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Nga và Trung Quốc, Moskva cũng đã có một thỏa thuận nhằm đảm bảo cho các nhu cầu trước mắt, đồng thời vẫn bảo vệ được các lợi ích chiến lược của mình ở Viễn Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN