Mong đợi gì từ cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình?

Nhiều nhà phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thống nhất đình chiến chiến tranh thương mại sau khi gặp nhau bên lề hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng 6.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump trong cuộc gặp tháng 12/2018. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên trong Nhà Trắng ngày 25/6 cho rằng mục tiêu hàng đầu của cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc ở G20 đơn giản là thống nhất tái khởi động đàm phán về chiến tranh thương mại.

Lý do là đạt được một thỏa thuận riêng biệt ở thời điểm này vô cùng khó khăn. Khác biệt về chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc rất lớn.

Nếu Mỹ và Trung Quốc thống nhất đình chiến xung đột thương mại thì mức thuế bổ sung và trả đũa mà hai bên đang áp dụng lên hàng hóa của nhau vẫn duy trì. Tuy nhiên, hai bên sẽ không áp thêm thuế nữa. Nhờ đó, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ có thêm thời gian tái khởi động đàm phán vốn đã tạm hoãn trong tháng 5 sau 11 vòng đàm phán.

Lần gần đây nhất Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau là vào đầu tháng 12/2018 tại hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina. Khi đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đình chiến chiến tranh thương mại trong 90 ngày.

Ông Tu Xinquan tại Đại học Kinh tế Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh nhận định: “Kết quả lý tưởng từ hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản có thể tương tự như ở Argentina. Đó là ngăn chặn chiến tranh thương mại leo thang”.

Ông Myron Brilliant phụ trách các vấn đề quốc tế tại Hiệp hội Thương mại Mỹ đánh giá: “Tôi hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ tái cam kết về tham gia đàm phán thương mại. Có nhiều rủi ro trong mối quan hệ song phương khiến hai chính phủ chưa thể đề xuất nội dung cuối cùng cho thỏa thuận thương mại”.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Eswar Prasad tại Đại học Cornell nói: “Trung Quốc dường như không sẵn sàng nhượng bộ Mỹ để giảm căng thẳng chiến tranh thương mại. Trung Quốc nhiều khả năng không chấp thuận những yêu cầu có thể tác động tới mô hình kinh tế và chiến thuật công nghiệp của quốc gia này”.

Tổng thống Trump đã đề nghị đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer chuẩn bị tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump trước đó đã ban hành mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD từ Trung Quốc. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng tăng thuế với hàng hóa trị giá 110 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đã tạo điều kiện cho các công ty nước này cạnh tranh không lành mạnh trong các lĩnh vực như công nghệ cao, trí thông minh nhân tạo và ô tô không người lái. Đặc biệt, Washington nghi ngờ Bắc Kinh buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ để đổi lại được tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này và tuyên bố đơn giản chỉ đang cố gắng vượt qua các đối thủ cạnh tranh trong thương mại toàn cầu.

Nếu Tổng thống Trump áp dụng biện pháp tăng thuế với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc thì đây là sẽ động thái leo thang căng thẳng đột biến trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Doanh nghiệp Mỹ đã phản đối Mỹ tiếp tục nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc. Nhiều nhà kinh tế học cảnh báo rằng mức thuế bổ sung cao hơn sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức
Căng thẳng Mỹ - Trung và vấn đề Iran dự kiến sẽ chi phối Hội nghị G20
Căng thẳng Mỹ - Trung và vấn đề Iran dự kiến sẽ chi phối Hội nghị G20

Những lo ngại về tranh chấp thương mại, xung đột leo thang và thị trường dầu mỏ dự kiến sẽ chi phối chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Osaka, Nhật Bản, vào cuối tuần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN