Theo nhà nghiên cứu Scott Weese, vấn đề này đã nêu bật một khía cạnh hiện không được nhiều khoa học chú ý, đó là mối liên hệ giữa các biến thể mới xuất hiện với động vật.
Theo đó, những gì con người biết về động vật và COVID-19 hầu hết đều có từ trước khi xuất hiện biến thể Omicron, thậm chí là trước cả những biến thể khác như Delta hay Alpha. Thông qua thử nghiệm trên động vật, các nhà khoa học đã kết luận rằng gia súc và lợn ít có khả năng bị lây nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, hầu hết những thử nghiệm này đều được thực hiện với chủng SARS-CoV-2 ban đầu. Đây là những nghiên cứu thực sự quan trọng nhưng nay đã trở thành lịch sử do sự xuất hiện của những biến thể mới và có thể dẫn đến quan ngại về sự chủ quan khi không tiến hành giám sát hay nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.
Những biến chủng hiện nay tác động rất khác biệt đối với con người, và giới khoa học hiện không chắc chúng sẽ tác động thế nào đối với động vật. Biến thể Delta hay Omicron rất khác biệt với chủng gốc, nhưng hiện tại nhiều nhà khoa học giả định rằng chúng không có tác động khác biệt đến động vật. Theo nhà nghiên cứu Weese, đây là cách tiếp cận mang tính rủi ro.
Trên thực tế, những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tác động rất khác biệt đối với động vật. Ở giai đoạn đầu đại dịch, một loài chuột không nhạy cảm với chủng ban đầu thì nay lại dễ lây nhiễm các biến thể Beta và Gamma. Thế nhưng loại chuột này lại không nhạy cảm với chủng Delta. Một nghiên cứu mới đây cũng ghi nhận biến thể Omicron không dễ lây nhiễm cho chuột hamster Syria, vốn là loài nhạy cảm với những biến thể khác.
Những thực tế cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu về tác động của từng biến thể virus SARS-CoV-2 đối với mỗi loài, để từ đó đảm bảo có thể bắt kịp với những biến đổi của virus thay vì dựa trên thông tin đã cũ nhằm đưa ra những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.