Phát biểu họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Ayesha Verrall nêu rõ qua quá trình theo dõi biến thể Omicron, các cơ quan chuyên môn sẽ thực hiện phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn. Khi số lượng ca bệnh tăng lên, các cách tiếp cận với biện pháp xét nghiệm và cách ly nhằm ứng phó dịch bệnh cũng sẽ thay đổi.
Theo đó, Giai đoạn 1 ứng phó với biển thể Omicron liên quan đến việc thực hiện cách tiếp cận ngăn chặn biến thể này. Các ca bệnh sẽ cần cách ly trong 14 ngày và tiếp tục hạn chế tiếp xúc trong 10 ngày sau đó.
Trong Giai đoạn 2, thời gian cách ly đối với các ca mắc giảm xuống còn 10 ngày và các ca tiếp xúc gần giảm còn 7 ngày. Giai đoạn này nhằm làm chậm đà lây lan và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương. Hệ thống y tế sẽ được điều chỉnh nhằm tập trung nhiều hơn vào việc xác định những người có nguy cơ bệnh nặng khi nhiễm biến thể Omicron.
Ở Giai đoạn 3, khi số ca mắc tăng lên mức hàng nghìn, việc truy vết tiếp xúc sẽ có thêm nhiều thay đổi, trong đó có tính đến các tiếp xúc hộ gia đình và gần giống như hộ gia đình. Cụ thể, sẽ yêu cầu cách ly các trường hợp tiếp xúc gần có nguy cơ cao nhất.
Nữ Bộ trưởng Verrall nhấn mạnh giới chức trách vạch ra những thay đổi trong trường hợp số ca mắc mới lớn để giúp người dân hình dung rõ hơn về những gì sẽ xảy ra và những gì họ cần làm ở mỗi giai đoạn. Bà cũng nhấn mạnh rằng tiêm chủng vẫn là vũ khí hiệu quả nhất phòng COVID-19 và biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn rõ rệt so với các biến thể trước đó. Cho đến nay, giới chức y tế New Zealand một mặt tập trung vào việc ngăn chặn lây lan biến thể Omicron trong cộng đồng càng lâu càng tốt, một mặt triển khai tiêm chủng cho trẻ em và tiêm mũi tăng cường cho dân số trưởng thành ở nước này.
Bà Verrall nêu rõ việc số ca mắc tăng nhanh và áp lực đối với các nguồn lực y tế trong nước sẽ đòi hỏi giới chức trách phải chuyển từ chiến lược xác định tất cả các cá nhân mắc bệnh sang chiến lược tập trung nhiều hơn đến những người có nguy cơ cao nhất và đó là điều cần thiết để đảm bảo đất nước tiếp tục phát triển.
Người đứng đầu Bộ Y tế New Zealand cũng lưu ý thêm rằng việc thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên nhanh để chẩn đoán COVID-19 và một công cụ cho phép người dân tự xác định các trường hợp tiếp xúc có nguy cơ cao là những yếu tố rất quan trọng trong trường hợp phải ứng phó với số ca nhiễm Omicron tăng mạnh. Đa số người dân sẽ được hỗ trợ và có thể tự theo dõi, cách ly tại nhà. Trong khi đó, việc điều trị sẽ được tập trung vào các trường hợp nguy cơ mắc bệnh nặng. Ngoài ra, trong Giai đoạn 2 và 3, New Zealand sẽ áp dụng chế độ xét nghiệm “Test to Return” đối với các nhân lực lao động quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho họ trong đợt bùng phát dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Verrall cũng tái khẳng định lại các biện pháp phòng bệnh của New Zealand rất đơn giản gồm tăng cường sức khỏe, đeo khẩu trang, tuân thủ các quy tắc vệ sinh cơ bản và hạn chế tiếp xúc.