Kênh CNN (Mỹ) đưa tin kể từ năm 2008, Trung Quốc đã hoàn thiện 37.900 km đường sắt cao tốc nối giữa các siêu đô thị. Một nửa quãng đường này được hoàn thiện thần tốc trong 5 năm trở lại đây.
Riêng năm 2021, dự kiến có 3.700 km đường sắt cao tốc đi vào khai thác. Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2035 sở hữu tổng cộng 70.000 km đường sắt cao tốc. Với tốc độ tối đa 350 km/h, đường sắt cao tốc đã trở thành một lựa chọn được ưu ái với nhiều hành khách, bên cạnh hàng không.
Chuyên gia đường sắt Mark Smith chia sẻ với CNN: “Trung Quốc đã hình thành mạng lưới đường sắt cao tốc ở quy mô chưa từng có tiền lệ, nhanh hơn và đáng tin cậy hơn cả các chuyến bay nội địa của nước này”. Tính đến năm 2020, có tới 75% thành phố Trung Quốc dân số trên 500.000 người sở hữu tối thiểu 1 tuyến đường sắt cao tốc.
Nếu so sánh, Tây Ban Nha là quốc gia đứng thứ hai thế giới về đường sắt cao tốc nhưng mới chỉ sở hữu trên 3.218 km, tốc độ tối đa là 250 km/h. Trong khi đó, Mỹ cũng chỉ sở hữu một tuyến đường sắt cao tốc với tàu đạt vận tốc tối đa 240 km/h.
Mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc là biến đường sắt cao tốc thành lựa chọn lý tưởng cho di chuyển đường dài nội địa. Tuy nhiên, những tuyến đường sắt cao tốc lại mang trọng trách lớn hơn vậy.
Giống như Shinkansen của Nhật Bản trong thập niên 60 của thế kỷ trước, đường sắt cao tốc là biểu tượng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, phản ánh việc hiện đại hóa nhanh chóng, sức mạnh kỹ thuật của nước này.
Tiến sĩ Olivia Cheung tại Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London (Anh) nhận định: “Đường sắt cao tốc mới hình thành kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về ‘liên kết thị trường rộng lớn quốc gia’. Điều này còn đồng nghĩa với triết lý phát triển mới của ông Tập Cận Bình trong đó trọng tâm là phối hợp phát triển”.
Ban đầu, Trung Quốc dựa vào công nghệ thi công của châu Âu và Nhật Bản với việc hợp tác cùng các tập đoàn lớn như Bombardier, Alstom và Mitsubishi. Tuy nhiên, trong thập niên qua, các công ty Trung Quốc đang vươn lên trên bảng xếp hạng thế giới nhờ năng lực phát triển ấn tượng của đường sắt cao tốc nội địa. Họ đã nhanh chóng hình thành năng lực phát triển đường sắt cao tốc trên mọi địa hình, từ vùng Cáp Nhĩ Tân băng giá đến sa mạc Gobi khô cằn…
Tuy nhiên, việc phát triển đường sắt cao tốc cũng dẫn đến bi kịch. Tháng 7/2011 xảy ra vụ tai nạn tại Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang với hai tàu va chạm và trật bánh khiến 40 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương. Khi đó, dư luận Trung Quốc phần nào mất tin tưởng vào đường sắt cao tốc.
Tuy nhiên, trong thập niên qua, không có vụ tai nạn lớn nào xảy ra khiến lượng hành khách lựa chọn đường sắt cao tốc ngày càng tăng. Tính đến cuối năm 2020, Cơ quan Đường sắt Quốc gia Trung Quốc đã vận hành trên 9.600 tàu cao tốc mỗi ngày.
Không chỉ dừng lại ở tốc độ, các công ty Trung Quốc còn tìm tòi phát triển công nghệ mới như tàu không người lái và hệ thống điều khiển tàu tiên tiến hơn. Tàu cao tốc không người lái nối giữa Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu ở Hà Bắc được ghi nhận có thể đạt tốc độ 350 km/h.
Trung Quốc đang đẩy mạnh ảnh hưởng khắp châu Á, châu Phi cùng châu Âu qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Đường sắt là một yếu tố quan trọng then chốt trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.
Đề xuất hình thành tuyến đường sắt mới vượt dãy Himalaya đến Ấn Độ và Pakistan hoặc vươn đến lãnh thổ Nga không chỉ tạo cơ hội cho phát triển xuất khẩu của Trung Quốc mà còn mang đến nhiều hợp đồng béo bở đối với ngành kỹ thuật và đường sắt nước này.